Đổi mới tư duy mới trong phát triển kinh tế
Điện Biên TV - Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở tỉnh Điện Biên ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã và đang giúp nông dân từng bước đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong ba phong trào thi đua lớn, trọng tâm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Triển khai phong trào, các cấp Hội Nông dân đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp như “dồn điền, đổi thửa”, xây dựng “cánh đồng lớn”, đẩy mạnh các hoạt động liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ. Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, cho nông dân vay vốn, từ đó thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Xây dựng nông thôn mới đã và đang giúp nông dân từng bước đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp |
Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm các giống cây, con mới, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Minh chứng cụ thể và sinh động là đến nay, tỉnh ta đã có 7225 hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm tỉnh tập trung đánh giá, thống nhất để lựa chọn, phát triển cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðến nay, đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất lúa hàng hóa.
Tiêu biểu trong đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao là các đơn vị: Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Bản Mé, Công ty TNHH thực phẩm nông sản sinh thái Ðiện Biên, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green. Sản phẩm gạo đã được chứng nhận theo chuỗi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký quét mã truy xuất nguồn gốc.
Trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, như: Chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ phát triển cây cao su; hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt; chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn… nhằm huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế nông thôn cũng như thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh về nông, lâm nghiệp.
Sinh ra và lớn lên ở xã biên giới Hua Thanh, người đàn ông dân tộc Thái Lò Văn Miên đã sớm nung nấu quyết tâm làm giàu. Với tư duy dám nghĩ dám làm, ngày từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ông Miên cùng gia đình nhận khoanh nuôi, bảo vệ diện tích hơn 60 ha đất đồi rừng. Trong đó, dành riêng gần 10 ha để quy hoạch phát triển trang trại tổng hợp.
Bắt đầu từ năm 2004, ông Miên đưa lần lượt các loại cây có múi là: Cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn vào trồng. Không chỉ có vậy, nhằm khai thác có hiệu quả diện tích vườn rừng, ông tận dụng các khe, hủm tự nhiên đắp đập làm ao nuôi cá; đầu tư chuồng trại để nuôi lợn rừng và nuôi gà thương phẩm với mục đích vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, vừa có thêm sản phẩm xuất bán ra thị trường, tăng thêm thu nhập.
Với sự đầu tư đúng hướng và khoa học, mô hình phát triển rừng trồng và kinh tế trang trại theo hướng “đa canh, đa nuôi” của gia đình ông Lò Văn Miên đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Năm 2017 vừa qua, ông Miên và gia đình thu về khoản thu nhập gần 1,9 tỷ đồng từ phát triển kinh tế đồi rừng và trang trại tổng hợp.
Người dân trên địa bàn tham quan mô hình đậu tương và tìm hiểu kỹ thuật trồng đậu tương năng suất cao ở xã Sá Tổng huyện Mường Chà - Điện Biên. |
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có nhiều khởi sắc, với tốc độ, số lượng mô hình ứng dụng ngày một gia tăng, góp phần chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân. Ông Đặng Đài Loan, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên là một trong những hộ thực hiện thành công việc áp dụng công nghệ vào trồng cây ăn quả theo hướng an toàn.
Mạnh dạn đầu tư vốn, chịu khó tìm tòi, tự học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, tích lũy kiến thức, đưa khoa học, kỹ thuật áp dụng vào trồng cây ăn quả, ngoài lựa chọn được những giống tốt, sạch bệnh để trồng thì một trong những yếu tố rất quan trọng trong canh tác được ông đặc biệt chú ý là nguồn nước tưới phải đảm bảo đầy đủ, sử dụng đồng bộ, hợp lý các loại phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng đất. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi phòng trừ sâu bệnh, nhiều năm qua, vườn cây của ông Loan luôn phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản với người dân, góp phần tạo thị trường ổn định cho nông sản. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân cho các sản phẩm: Rau, củ, quả tươi; chè Shan tuyết; cà phê; bánh khẩu xén; thịt trâu, bò khô; cá tầm, cá hồi; gạo Bắc thơm số 7; dứa.
Năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã triển khai mô hình trồng dứa theo chuỗi cung ứng dứa an toàn tại Mường Chà. Theo đó, Hợp tác xã Na Sang (Mường Chà) là đơn vị thực hiện liên kết với 54 hộ dân tham gia trên quy mô diện tích 60ha. Ðến nay, quả dứa thuộc Hợp tác xã Na Sang đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, nông dân khu vực lòng chảo Ðiện Biên đã sản xuất nhiều vùng rau xanh chuyên canh với sản lượng hàng nghìn tấn/vụ. Trước đây, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap chưa thực sự phổ biến; chủ yếu là mô hình trình diễn với quy mô nhỏ, từ vài trăm mét vuông đến 1ha. Tuy nhiên, trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nông dân các xã vùng lòng chảo từng bước áp dụng các biện pháp sản xuất rau an toàn theo chuỗi.
Hiện nay, tại các vùng chuyên canh rau xanh, như: Noong Luống, Thanh Xương, Thanh Hưng đã có hàng chục hộ sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, với diện tích trên 30ha. Khi sản xuất, nông dân không sử dụng thuốc trừ cỏ, phải thực hiện quy trình làm cỏ bằng tay; gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng bỏ đúng nơi quy định. Nhờ đó, rau sản xuất ra đã sạch hơn, đồng thời hạn chế được việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại của người dân và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Mỗi hécta rau xanh sản xuất theo hướng an toàn, có lãi từ 3 - 20 triệu đồng so với phương pháp sản xuất truyền thống.
Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm các giống cây, con mới, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về lao động, đất đai, xây dựng nông thôn mới của tỉnh |
Những nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đã và đang góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Ðến tháng 6/2018, toàn tỉnh đã có 16/116 xã đạt chuẩn và cơ bản chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 15 triệu đồng/người/năm. Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu đã xuất hiện đều khắp các nơi trong tỉnh, tạo ra được giá trị sản phẩm nông nghiệp lớn hơn.
Nhiều hộ nông dân đã đứng ra thành lập các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ hợp tác… nhằm liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó đã có những tác động mạnh mẽ đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, góp phần tăng thêm giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Có thể thấy rằng, với mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã giúp người nông dân Điện Biên từng bước đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi cũng đã khuyến khích, động viên nông dân đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa, từ đó góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Điện Biên./.
Ngọc Thượng/DIENBIENTV.VN