Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân
Điện Biên TV - Tỉnh Điện Biên đã thực hiện triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân
Tỉnh Điện Biên xác định, Xây dựng nông thôn mới bền vững, chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tạo liên kết chuỗi, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, môi trường sinh thái được bảo vệ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Thực hiện tốt các Chương trình, dự án về phát triển sản xuất và xóa đói giảm nghèo, nhiều tiến bộ kỹ thuật được thử nghiệm, mở rộng trong sản xuất bằng nhiều hình thức như tập huấn cho nông dân gắn liền với xây dựng các mô hình ở tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.
Nông dân Điện Biên đã từng bước tiếp thu các tiến bộ khoa học áp dụng vào sản xuất, tạo ra những chuyển biến mới trong sản xuất nông - lâm nghiệp từ đó đã nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Giống lúa thuần chất lượng Hương Việt 3 đang là thương hiệu lúa có uy tín đến tay người tiêu dùng được ưa chuộng khắp nơi trên cả nước |
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện nay ước đạt 15 triệu đồng/người/năm, tăng 4,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2015, đặc biệt tiêu chí số 10 trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới về thu nhập có 16/116 xã đạt, tăng 6 xã so năm 2015.
Công tác đào tạo lao động nông thôn có tay nghề được nâng cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 54% tổng số lực lượng lao động nông thôn, số xã đạt tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm là 116/116 xã, chiếm tỷ lệ 100% tổng số xã tăng 50 xã so với năm 2015.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 196 hợp tác xã, các hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan đến đầu vào sản xuất cho các thành viên, các hộ nông dân thông qua các khâu đầu vào sản xuất nông nghiệp như cung ứng trước vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tu sửa nâng cấp các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng....
Mặc dù hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp còn ở mức độ nhất định, nhưng thời gian qua hợp tác xã nông nghiệp đã trở thành chỗ dựa tin cậy, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế hộ nông dân phát triển, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dụng nông thôn mới trên địa bàn các xã.
Cùng với việc hỗ trợ giống, kỹ thuật cho bà con nông dân tham gia mô hình, doanh nghiệp còn liên kết với Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương tỉnh Điện Biên bao tiêu sản phẩm lúa. Mặc dù diện tích sản xuất nhỏ, nhưng với việc bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa của nông dân đã bước đầu hình thành nên mô hình chuỗi liên kết: Doanh nghiệp sản xuất giống - người trồng lúa - doanh nghiệp chế biến gạo, mang lại sự yên tâm cho người trồng lúa.
Cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn của Công ty TNHH Safe Green tại TP. Ðiện Biên Phủ là địa chỉ đáng tin cậy của người tiêu dùng |
Cũng nhằm mục tiêu hình thành chuỗi liên kết cho sản phẩm nông sản sạch, năm 2015, sau khi thành lập Công ty TNHH Safe Green, chị Nguyễn Thị Hiên, đội 5, xã Thanh An, Giám đốc Công ty đã mở cửa hàng bán rau, củ quả sạch trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.
Ngoài bày bán sản phẩm do Công ty sản xuất, chị Hiên còn “bắt tay” với một số đối tác sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn trên địa bàn huyện để hỗ trợ đầu ra như: HTX Rau, củ, quả an toàn Thanh Đông (xã Thanh Xương); các hộ trồng rau gia vị ở xã Thanh Hưng và một số hộ trồng rau an toàn xã Noong Luống...
Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã dần hình thành và tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thế mạnh, lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường. Tạo nên sự thu hút, hình thành và tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân với một số mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, chè, dứa...
Nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn tỉnh với mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên theo thực tế cho thấy, kết quả tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Chất lượng tăng trưởng nông lâm thủy sản còn chưa cao, thiếu bền vững, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản còn thiếu, chưa đồng bộ, việc triển khai mô hình lớn còn chậm và gặp vướng mắc; Thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả chưa cao; Việc thu hút các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn hạn chế...
Có thể nói việc Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đạt được những kết quả nhất định đó là thu nhập của người dân đã được nâng lên, hàng hóa ngành nông nghiệp đã được phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị hàng hóa và phát triển bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn./.
Hương Trà/DIENBIENTV.VN