Để hàng Việt luôn chiếm được niềm tin người tiêu dùng

Thứ Ba, 25/09/2018, 17:02 [GMT+7]

Mặc dù hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định, song các doanh nghiệp vẫn cần nâng cao hơn nữa chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Sau hơn 9 năm phát động, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho thấy, cuộc vận động đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Điều tra nghiên cứu dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện cũng cho kết quả khả quan, khi 92% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã khẳng định họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi mua sắm.
 

1
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Quản lý điều hành sản xuất Công ty TNHH Nhà máy Curcumin Bắc Hà.


Đa số người tiêu dùng Việt Nam khi được hỏi đã cho rằng, chất lượng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đã được nâng lên rất nhiều kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các doanh nghiệp, nhà quản lý cũng đánh giá, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời đã tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh.

Với quan điểm tất cả vì người tiêu dùng Việt, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tinh tế hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thời trang, không đơn thuần chỉ chạy theo mốt như trước đây, dần loại bỏ tâm lý sính ngoại.

“Doanh nghiệp thiết kế các sản phẩm may mặc phục vụ người tiêu dùng theo xu hướng tinh tế hơn. Khi sản phẩm đã chinh phục được những khách hàng tinh tế trong nước sẽ không khó để làm hài lòng khách hàng tại thị trường nước ngoài”, bà Huyền tự hào cho biết.

Theo quan điểm của ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, đã đến lúc Việt Nam nên xây dựng chương trình kế hoạch phát triển hàng nội theo hướng chất lượng hàng hóa cao ngang bằng thậm chí cao hơn thị trường ngoại.

“Chúng ta chưa thể làm ở tất cả các mặt hàng nhưng có thể chọn lọc ở những nhóm hàng tiêu biểu, thế mạnh như thực phẩm, rau củ quả… làm sao một sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận là cơ sở để được người tiêu dùng thế giới chấp nhận”, ông Giám nói.

Không để người tiêu dùng quay lưng
 
Tuy nhiên hiện nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường; Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao…

Ông Đinh Văn Thành, Giám đốc Công ty Polyco cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần tạo nên làn sóng mua sắm hàng nội địa của người Việt khá mạnh mẽ. Từ đó, các doanh nghiệp lập tức phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng cho được nhu cầu của người tiêu dùng.

“Doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp được nhau đã khó, giữ niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm của doanh nghiệp còn khó hơn. Muốn làm được điều này, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp phải tốt, đảm bảo. Chính vì thế các doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất và dây truyền công nghệ, tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu”, ông Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Chiến, Quản lý điều hành sản xuất Công ty TNHH Nhà máy Curcumin Bắc Hà chia sẻ, mặc dù chưa được chứng nhận là doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng bản thân suy nghĩ, sản phẩm của mỗi doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước, có chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng, trước hết cần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành từ đó tạo uy tín mạnh trên thị trường hiện nay.

Đặc biệt, những doanh nghiệp như Bắc Hà khi mới đi vào thương trường còn gặp rất nhiều khó khăn, về vốn nhiều doanh nghiệp đã xác định phải tự chủ, dây chuyền công nghệ mong muốn hiện đại, tốn ít nhân công nhưng hiện tại trong quá trình triển khai sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít những khó khăn.

Chính vì thế, Bắc Hà cũng như nhiều doanh nghiệp khác cùng mong muốn có một hoặc nhiều doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, giới thiệu, quảng bá sản phẩm đi vào người tiêu dùng sâu hơn nữa, giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm.

“Riêng đối với các sản phẩm được chế xuất từ thiên nhiên, doanh nghiệp mong muốn có điều kiện được đứng chân trong một hiệp hội ngành nghề. Khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh sẽ hỗ trợ cho nhau rất nhiều trong đường hướng phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm từ việc học hỏi quy trình quản lý cũng như thay đổi dây chuyền công nghệ, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh lành mạnh và thị trường của sản phẩm còn rất lớn như hiện nay”, ông Chiến mong muốn./.

 

 

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.

.