Giá thịt lợn còn duy trì ở mức cao trong thời gian dài
Giá thịt lợn sẽ vẫn ở mức cao từ nay tới cuối năm khi việc tái đàn cần có thời gian và nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tiếp tục tăng cao vào dịp Tết.
Giá lợn hơi trong nước đắt gấp 1,6 lần nhập khẩu
Giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ ở Hà Nội tăng nhanh theo giá lợn hơi. Tại chợ Lê Quý Đôn (quận Hai Bà Trưng) giá thịt lợn bán lẻ hiện ở mức 90.000-100.000 đồng/kg. Giá lợn hơi trong nước có xu hướng tăng, mức tăng so với tháng trước từ 3.000-5.000 đồng/kg. Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá lợn hơi xuất chuồng chạm mốc 56.000 đồng/kg. Giá này đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017.
Giá lợn tăng cao không đồng đều tại các địa phương cao nhất là khu vực miền Bắc sau đến miền Trung và giá thấp nhất là ở miền Nam.Tại Phổ Yên (Thái Nguyên), Hải Hậu (Nam Định), Khoái Châu (Hưng Yên), Ứng Hòa (Hà Nội), Hải Dương, Quảng Ninh đạt mức cao nhất là 56.000 đồng/kg đối với lợn chất lượng cao, có trọng lượng trên 100 kg/con.
Giá lợn hơi đã tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017. |
Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2018, giá thịt lợn nhập khẩu trung bình đạt 1.524 USD/tấn, tương đương 35.000 đồng/kg, thấp hơn 20.000 đồng/kg so với thịt lợn hơi trong nước. Trong 6 tháng của năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 2.806 tấn thịt lợn, trị giá 4,88 triệu USD, tương đương 40.000 đồng/kg. Như vậy, tính trung bình, giá lợn hơi trong nước đang đắt gấp 1,6 lần giá nhập khẩu.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện giá lợn hơi đang cao nhất từ trước tới nay. Giá lợn cũng là một trong những yếu tố dẫn mặt bằng nhóm hàng thực phẩm tăng. Nguyên nhân dẫn tới điều này do trong thời gian giá lợn xuống quá thấp, người dân tái đàn rất ít, cung - cầu mất cân đối.
“Giá lợn sẽ chỉ ở mức này, không thể lên được nữa, nếu còn lên thì Nhà nước sẽ tìm các giải pháp để bình ổn giá, Nhà nước có thể sẽ nhập khẩu thịt lợn” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Người nuôi lợn lúc này thu được lợi nhuận cao nhưng cũng phải thận trọng, bởi vì lợi nhuận cao sẽ lại tái đàn. Việc tái đàn ồ ạt đến khi cung nhiều cầu ít, giá thịt lợn lại xuống như thời điểm hơn một năm trước, PGS.TS Ngô Trí Long phân tích thêm.
Qua Tết, giá thịt lợn mới có thể giảm
Ông Phạm Công Thiếu, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn ở Việt Nam rất lớn, khi bữa ăn người Việt 70% là thịt lợn. Trung bình một năm ở Việt Nam làm thịt khoảng 60 triệu con lợn, vừa ăn và chế biến. Khi giá xuống thấp, người chăn nuôi giảm đàn khiến cung không đủ cầu và kéo giá lợn tăng.
Tuy nhiên, hiện tại cũng là thời điểm người chăn nuôi lợi thu lại lợi nhuận đầu tư sau thời gian dài giá lợn ở mức thấp. Giá lợn thời đểm này cũng rất thuận lợi cho việc tái đàn.
“Giá lợn sẽ còn đứng ở mức cao từ nay đến hết Tết Nguyên đán vì việc tái đàn cần một khoảng thời gian 4-6 tháng. Sau khi tái đàn để đủ phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân thì tới Tết là thời điểm nhu cầu thịt lợn tăng cao, do đó phải qua Tết giá mới có thể giảm” – ông Thiếu nói.
Với giải pháp nhập khẩu lợn để bình ổn giá thị trường trong nước, ông Phạm Công Thiếu cho rằng cần phải tính toán kỹ, nên hạn chế và nếu nhập thịt lợn thì ở mức vừa phải. Người chăn nuôi lợn đã thua lỗ hơn 1 năm nay bây giờ mới bắt đầu phục hồi. cần một thời gian để có thể tái đàn. Để đảm bảo được 60 triệu con lợn thịt cung cấp cho thị trường trong nước thì phải nuôi được 3,2 triệu lợn nái, việc tái đàn cũng cần kiểm soát, tránh một cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn như trước đây.
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn mới ra công văn hoả tốc yêu cầu các tỉnh thống kê và có biện pháp ổn định nguồn cung mặt hàng thịt lợn gấp. Thị trường và ngành chăn nuôi đang trên đà hồi phục và phát triển tốt, tuy nhiên giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng (CPI). Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cảnh báo nguy cơ mất cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới./.
Theo Phương Hoài/VOV