Tìm đầu ra cho sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa
Điện Biên TV - Những năm qua, huyện Tủa Chùa luôn xác định cây chè là thế mạnh trong phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, việc tạo dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa đang là một bài toán khó đặt ra cho các cấp chính quyền địa phương.
Xã Sín Chải là nơi có nhiều cây chè Tuyết Shan cổ thụ nhất của huyện Tủa Chùa, với khoảng 4.000 cây. Những cây chè cổ thụ đã gắn bó với bà con nơi đây qua nhiều thế hệ. Ông Hạng A Chư, bản Hấu Chua, xã Sín Chải là gia đình có nhiều cây chè cổ thụ nhất với hơn 400 cây.
Mỗi năm gia đình ông Chư thu hoạch 3 vụ chè, sản lượng mỗi vụ được khoảng 3,5 tạ chè búp khô, với giá bán trung bình 400.000 đồng/kg; thu nhập từ chè, ông Chư đã đầu tư xây dựng hệ thống lò sao sấy chè khô thành phẩm bán ra thị trường.
Ông Chư cho biết: Sở dĩ gia đình có nhiều cây chè cổ thụ là một phần do của ông cha để lại, một phần là do trước đây nhiều bà con chặt phá đi những cây chè cổ thụ để lấy đất làm nương, ông Chư tiếc nên đã mua lại. Gia đình ông Chư cũng là số ít hộ trồng chè tự đầu tư máy móc để sao chè bán trực tiếp ra thị trường.
Xã Sín Chải là nơi có nhiều cây chè Tuyết Shan cổ thụ nhất của huyện Tủa Chùa, với khoảng 4.000 cây. ảnh KT |
Ngoài 30ha diện tích chè cổ thụ, huyện Tủa Chùa hiện có trên 500ha chè cây thấp. Cây chè được trồng tập trung ở 4 xã phía Bắc của huyện Tủa Chùa, bao gồm: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải. Mỗi năm, toàn huyện thu hoạch khoảng hơn 80 tấn chè búp tươi, tương ứng với khoảng 15 tấn chè búp khô, hiện chè búp tươi cây thấp được các đơn vị thu mua với giá 12.000 đồng/kg, huyện Tủa Chùa hỗ trợ thêm cho bà con 3.000 đồng/kg.
Nhờ vậy, thu nhập từ việc bán chè giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống. Gia đình chị Thào Thị Sông, thôn Tà Pao, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa trồng 2ha chè, trong đó diện tích chè cho thu hoạch khoảng gần 1ha, hiện tại mỗi tuần gia đình chị Sông thu hái được từ 10 đến 20kg chè búp tươi, với giá bán 12.000 đồng/kg như hiện nay thì, trung bình mỗi tuần gia đình chị cũng có thu nhập từ 120.000 đến 240.000 đồng.
Chị Sông chia sẻ: Mặc dù diện tích chè bắt đầu cho thu hoạch chưa nhiều nhưng so với trước đây trồng ngô, một năm chỉ được một vụ, thu nhập cũng chẳng được là bao, trồng chè khi đã cho thu hoạch thì thu nhập ổn định và lâu dài hơn, nhờ vậy đã giúp gia đình chị có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình.
Thu nhập từ việc bán chè giúp nhiều gia đình trên địa bàn huyện Tủa Chùa cải thiện đời sống. ảnh KT |
Rõ ràng cây chè đã mang lại hiệu quả kinh tế cho một bộ phận người dân ở Tủa Chùa. Thế nhưng, do lượng chè tiêu thụ còn hạn chế nên diện tích trồng những năm gần đây không được mở rộng. Những năm qua, Trại giống Nông nghiệp huyện Tủa Chùa là đơn vị thu mua, chế biến, tiêu thụ hầu hết sản lượng chè của người dân ở Tủa Chùa.
Tuy sản lượng chỉ đạt 14 - 15 tấn chè khô/năm nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, năm nào đơn vị cũng ế từ 3 đến 5 tấn chè khô, dự báo năm 2018 cũng sẽ tồn khoảng 5 tấn chè khô. Theo ông Cao Văn Đắp, Trưởng trại giống Nông nghiệp huyện Tủa Chùa, nguyên nhân là do chè Tủa Chùa hiện chưa được nhiều người biết đến, chủ yếu chỉ mới dừng ở mức độ tiêu thụ trong tỉnh. Trại giống có 8 lao động kỹ thuật lành nghề, hiện đã bỏ việc 2 lao động, do thu nhập không ổn định, mặt khác nhà xưởng đầu tư đã nhiều năm hiện đã xuống cấp, không đảm bảo cho việc sản xuất của đơn vị cũng như ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay giá chè khô, đặc biệt là sản phẩm chè cây thấp bán ra trên thị trường có giá từ 160.000 đến 200.000 đồng/kg, được người mua đánh giá là cao hơn so với chè ở nhiều tỉnh khác gần 100.000 đồng/kg, nên việc người tiêu dùng khi mua sản phẩm chè Tủa Chùa cũng phải cân nhắc.
Chè cổ thụ Tủa Chùa có hương vị thơm ngon, không thua kém loại chè nào trên thị trường. Chè được trồng hữu cơ, sạch 100%, bà con người Mông không dùng bất cứ loại phân hay hóa chất nào trên cây chè. Nước chè mới đầu uống có vịt đậm chát nhưng sau lại có vị ngọt hậu và thơm lâu sau khi uống. Tuy nhiên do công nghệ sản xuất đã lạc hậu, các đơn vị chế biến chè chưa chủ động thay đổi mẫu mã, hình thức đóng gói, tính cạnh tranh thị trường thấp.
Mặt khác sản phẩm chè cổ thụ và chè cây thấp chưa được phân biệt rõ ràng nên gây sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng về chất lượng chè Tủa Chùa. Xã Sính Phình hiện là địa phương có diện tích chè cây thấp lớn nhất huyện Tủa Chùa, với trên 220ha. Việc phát triển cây chè được cấp ủy chính quyền xã đặc biệt quan tâm, nhằm khai thác ngày càng hiệu quả thế mạnh của địa phương, giúp người dân có một nguồn thu nhập ngày một ổn định và bền vững. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương thì với giá thu mua chè búp tươi như hiện nay vẫn còn thấp, chưa thực sự giúp cho người dân sống được bằng cây chè.
Huyện Tủa Chùa sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chè Tủa Chùa ra thị trường ngoài tỉnh qua các kênh như: hội chợ, truyền thông.v.v...ảnh KT |
Theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện Tủa Chùa, đến năm 2020, huyện sẽ phấn đấu nâng diện tích chè toàn huyện lên 800ha. Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới huyện sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chè Tủa Chùa ra thị trường ngoài tỉnh qua các kênh như: hội chợ, truyền thông.v.v...
Qua đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, giới thiệu quảng bá, tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm chè Tuyết Shan Tủa Chùa. Ngoài ra, huyện cũng sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn tuyên truyền, tập trung hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con trồng và thu hái chè để có thể đạt năng suất và chất lượng cao nhất.
Với sự quyết tâm của chính quyền và đồng bào Mông trên đất Tủa Chùa, hy vọng rằng, cây chè Shan Tuyết - thứ “vàng xanh” của Tủa Chùa sẽ cắm rễ và vươn xa, có chỗ đứng trên thị trường trong tương lai không xa./.
Trần Sơn – Duy Hưng/DIENBIENTV.VN