Điện Biên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn hạn chế

Thứ Tư, 08/08/2018, 16:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; cùng với việc phát triển toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tỉnh Điện Biên đã tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể. Đầu năm 2008, toàn tỉnh có 89 hợp tác xã, 143 tổ hợp tác xã; nhưng đến hết năm 2017 đã tăng lên 213 hợp tác xã, 399 tổ hợp tác, chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 245/1.180 doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đến hết quý I năm 2018 là 50/1.180 doanh nghiệp, chiếm 4,23% số doanh nghiệp của tỉnh. Địa bàn doanh nghiệp đầu tư tập trung chủ yếu ở các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé. Tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản là 2.109 tỷ đồng, thu hút 1.500 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

v
Đại biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư tỉnh Điện Biên lần thứ nhất năm 2017

 

Trong giai đoạn 2008 - 2017, tổng số dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư là 135 dự án với tổng mức đầu tư hơn 22.334 tỷ đồng. Trong đó, tổng số dự án đề xuất đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 21 dự án với tổng mức vốn đăng ký là 4.277 tỷ đồng. Trong số 21 dự án thì có 6 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký 114,59 tỷ đồng; 15 dự án đang triển khai thực hiện với tổng tổng mức đầu tư đăng ký 4.162 tỷ đồng.

Các lĩnh vực được hưởng chính sách khuyến khích hỗ trợ thu hút đầu tư tại Điện Biên rất đa dạng như: Trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu; Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến; Xây dựng cánh đồng lớn; Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung; Sản xuất, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, cây lâm nghiệp, thủy sản...

Giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư

Với chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, ông Nguyễn Phi Sông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong thời gian tới, Điện Biên tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách, nhất là các cơ chế chính sách về sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư các hạ tầng thiết yếu... theo hướng thông thoáng, thủ tục đơn giản, dễ kiểm tra, dễ thực hiện. Mặt khác, tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các chính sách ưu đãi hỗ trợ gồm: Miễm, giảm quyền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản... Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đầu tư, trong đó tập trung thực hiện đề án cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cơ quan, đơn vị liên quan đến giải quyết các thủ tục đầu tư, giải ngân, quyết toán vốn để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện và giải ngân các dự án. Đặc biệt, tỉnh cũng tăng cường hơn nữa việc tham vấn, trao đổi, đối thoại giữa chính quyền tỉnh, chính quyền cấp huyện với cộng đồng doanh nghiệp để tạo đồng thuận, làm cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Nguyễn Xuân/Dienbientv.vn

 

.