Xe nhập khẩu từ châu Âu "tắc đường" về Việt Nam vì Nghị định 116?
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề xuất 3 nhóm nhóm chính sách trụ cột để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, Nghị định 116 gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu của các nước phát triển trong 6 tháng qua.
"Từ tháng 1 - 4/2018, không có 1 ô tô nhập khẩu nào có nguồn gốc từ châu Âu", ông Toru Kinoshita cho hay.
Nhóm công tác Ô tô và Xe máy của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) kiến nghị Chính phủ loại bỏ các quy định bất hợp lý trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 140/2016/NĐ-CP để tránh làm thị trường ô tô trở nên bất ổn kéo dài. (Ảnh: Một gian hàng tại triển lãm ô tô ở Hà Nội) |
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức ngày 4/7, ông Toru Kinoshita - Trưởng Nhóm công tác Ô tô và Xe máy - thẳng thắn chia sẻ: "Một thị trường tăng trưởng ổn định cần bao gồm cả sự cân bằng hợp lý của cả xe CKD (xe lắp ráp) và xe CBU (xe nhập khẩu). Để thực hiện và duy trì sự cân bằng, chúng ta cần tăng cường khả năng cạnh tranh của xe CKD phục vụ phần lớn thị trường".
Theo dữ liệu của VAMA, việc kinh doanh CBU và CKD hiện đang giảm tổng cộng 31%, kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực.
Đồng thời, theo ông Toru Kinoshita, phân khúc xe mà thị trường nhỏ hơn có thể cũng được đáp ứng khi Chính phủ cần phải sửa đổi một vài điểm trong Nghị định 116 bởi nghị định này gần như đã ngừng toàn bộ việc kinh doanh xe nhập khẩu CBU của các nước phát triển (Nhật Bản, Châu Âu,…) trong 6 tháng vừa qua.
Theo Báo cáo của Nhóm công công tác Ô tô và Xe máy, chỉ có 1 lô ô tô nhập khẩu cập cảng TP HCM và Hải Phòng trong 3 tháng đầu năm 2018. Riêng thời gian cho việc thử nghiệm khí thải và an toàn đã kéo dài tới 3 tuần. Thời gian chờ thử nghiệm có thể còn kéo dài hơn khi số lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia tăng lên.
Thống kê từ tháng 1 – 4/2018 cho thấy, không có một xe nhập khẩu nào có nguồn gốc từ Châu Âu. Hiệp hội Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) lo ngại rằng, yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu trong Nghị định 116 và Thông tư 03 đang trái với cam kết tự do hóa thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu (EV-FTA). Hiệp định EV-FTA được ký kết ghi rõ việc chấp nhận chứng nhận đối với xe nhập khẩu, phụ tùng linh kiện mà không cần phải kiểm tra hay kiểm tra lại.
Chủ tịch VAMA nhận định, quy mô thị trường và sự tăng trưởng ổn định là chìa khóa để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước cũng như hỗ trợ các ngành công nghiệp hướng tới một nền công nghiệp ô tô đủ mạnh và có khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, một vài quy định về thủ tục hành chính trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP và việc thực thi Nghị định 140/2016/NĐ-CP về Lệ phí trước bạ hiện nay đang tác động làm cho thị trường bất ổn (như yêu cầu về chứng nhận VTA, chứng chỉ ECE cho linh kiện, phụ tùng nhập khẩu…).
Để từng bước phát triển ngành công nghiệp ô tô, cần sự sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp hỗ trợ. Ông Toru Kinoshita đề xuất giải pháp đồng bộ dựa trên 3 nhóm chính sách trụ cột chính:
Thứ nhất, nhóm chính sách nhằm duy trì và thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và dài hạn, gồm cả việc hạn chế các tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định của thị trường. Các chính sách về thị trường cần đảm bảo đối xử công bằng, rõ ràng và có thời gian hợp lý để các doanh nghiệp kịp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh (Chính phủ cũng cần loại bỏ các quy định bất hợp lý trong Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 140/2016/NĐ-CP để tránh làm thị trường ô tô trở nên bất ổn kéo dài).
Thứ hai, nhóm chính sách hỗ trợ để giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe CKD và xe CBU dựa trên nguyên tắc đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Thứ ba, nhóm chính sách và cơ chế phù hợp thực tiễn hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà cung cấp.
Bên cạnh đó, để tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất ô tô và doanh nghiệp sản xuất linh kiện, Chủ tịch VAMA cũng kiến nghị Chính phủ nên có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ gá, nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp.
Cùng với đó, cần mời các nhà cung cấp linh kiện lớn tham gia vào các cuộc đối thoại về ngành ô tô và thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các điểm thảo luận rõ ràng, sau đó cần báo cáo Thủ tường thường xuyên hơn để cải thiện tính khả thi của chính sách ban hành.
Tạo "sân chơi" bình đẳng
Phản hồi về những yêu cầu trong Nghị định 116, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công khẳng định, việc kiểm tra thử nghiệm theo lô nhằm kiểm tra chặt chẽ chất lượng ô tô nhập khẩu, đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng và tạo sự bình đẳng trong quản lý chất lượng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công lý giải: Không kiểm soát theo lô như quy định hiện nay sẽ có trường hợp xe nhập khẩu chỉ thử nghiệm an toàn và khí thải ở lô hàng đầu tiên và các lô sau đó không phải kiểm tra, thử nghiệm.
Điều này tạo ra kẽ hở lớn để các đơn vị nhập khẩu hàng hoá kém chất lượng so với lô hàng đã thử nghiệm đạt chất lượng ở lần đầu, tiềm ẩn nguy cơ gian lận về chất lượng, tránh các bước kiểm tra của cơ quan chức năng, dẫn đến chất lượng của các xe nhập khẩu không được kiểm soát chặt chẽ và quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Văn Công nêu rõ./.