Việt Nam có hơn 27.000 hộ nông dân thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm

Thứ Tư, 25/07/2018, 07:48 [GMT+7]

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 26 về Tam nông, hiện có hơn 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2012.
 
Kết quả đưa ra tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn (còn gọi là Nghị quyết 26 về Tam nông) do Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội.
 

1
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo Nghị quyết 26, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Minh Long).


Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về Tam nông, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Bình nêu rõ, kết quả của hội nghị cùng với kết quả tổng kết Nghị quyết 26 về Tam nông của các Bộ, ngành, địa phương là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Trung ương tổng hợp phục vụ xây dựng Báo cáo tổng kết Nghị quyết 26 về Tam nông trình Bộ Chính trị vào quý IV năm nay.

Biểu dương nỗ lực đóng góp của Trung ương hội nông dân Việt Nam trong thực hiện Nghị quyết 26 về Tam nông, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị, trong tập hợp, vận động hội viên, các cấp hội nông dân cần tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chú trọng tham gia cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; chăm lo bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng hợp pháp của nông dân.

Phát huy dân chủ cơ sở để nông dân là chủ thể của quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các cấp hội nông dân cần làm tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về: nguồn vốn, vật tư nông nghiệp; đào tạo chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa qui mô lớn; từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị để chuyển từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm sang công nghệ cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

"Muốn sản xuất hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng nông sản và mở rộng thị trường xuất khẩu chúng ta phải liên kết được nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Nhất định phải có hợp tác xã, trên hợp tác xã phải có doanh nghiệp đó là mô hình chúng ta hướng tới. Để làm tốt điều này Trung ương hội nông dân cần phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã, hợp sức với nhau, cùng nhau làm và bổ sung cho nhau để làm tốt điều này", ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương hội nông dân Việt Nam khẳng định, chiếm 70% dân số và 43% lực lượng lao động của xã hội, từ khi Nghị quyết 26 về Tam nông được triển khai vai trò chủ thể của nông dân thể hiện rõ nét hơn trong tham gia cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
 

1
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương hội nông dân Việt Nam. (Ảnh: Minh Long).


Dân chủ ở nông thôn từng bước thực hiện tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; đời sống của nông dân tiếp tục được cải thiện, góp phần quan trọng duy trì phát triển kinh tế, ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận ở nông thôn, nâng cao niềm tin của nông dân đối với sự lãnh đạo của Đảng…

Trong 10 năm qua, bình quân số hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp hàng năm là hơn 6,2 triệu hộ, chiếm 38,8% so với tổng số hộ sống ở nông thôn.

Qua bình xét, có hơn 3,55 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu, chiếm 57,2 % số hộ đăng ký. Hàng năm có hơn 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tính đến năm 2017 tăng gấp 5 lần so với năm 2012...

Ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Quảng Nam chia sẻ, trong tình hình mới hiện nay việc cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp chất lượng, định hướng cho nông dân trong sản xuất để nâng cao hiệu quả thu nhập là rất quan trọng.

Các đại biểu tham gia hội nghị cũng đóng góp ý kiến về những tồn tại trong thực hiện Nghị quyết 26 về Tam nông như: nông dân còn chưa tự chủ trong sản xuất và kinh doanh; nông dân tham gia vào chuỗi giá trị nông sản chưa đồng đều; việc tuyên truyền của một số tổ chức hội nông dân ở địa phương còn mang tính hình thức…

Ông Châu Văn Ly, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh An Giang nêu ý kiến, Nghị quyết đặt vấn đề 5 năm sau mức đầu tư của Nhà nước tăng gấp đôi cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn, cần rà soát lại.

"Chính sách rất nhiều nhưng còn chồng chéo, trùng lặp chưa mang lại hiệu quả. Nông dân hiện nay rất cần đầu tư về mô hình sản xuất vì có muốn tăng thu nhập cho nông dân thì mô hình sản xuất là rất quan trọng. Tiếp nữa là y tế chăm sóc sức khỏe và nước sạch", ông Châu Văn Ly kiến nghị./.

 

 

Theo VOV

.