Thuốc nào "trị bệnh" chuyển giá?

Thứ Hai, 23/07/2018, 14:48 [GMT+7]

Tình trạng chuyển giá nhằm trốn thuế của một bộ phận doanh nghiệp FDI vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Cơ quan chức năng chống chuyển giá đã thanh tra 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và truy thu, truy hoàn, phạt 2.270 tỷ đồng trong năm 2017.

Doanh nghiệp FDI báo lỗ hằng năm từ 44 - 51%

Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho thấy, vốn doanh nghiệp FDI (DN FDI) chiếm 22 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 18% tổng thu ngân sách và 20% GDP. Hiện DN FDI cũng tạo công ăn việc làm cho 4 triệu lao động. Riêng năm 2017, khu vực này đóng góp vào ngân sách từ các khoản thu nội địa (không kể dầu thô) 172.020 tỷ đồng.

Xuất khẩu của DN FDI trong năm 2017 lên tới 155,24 tỷ USD, chiếm 73% xuất khẩu của cả nước. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, sau 30 năm thu hút đầu tư FDI, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về số vốn đăng ký, vốn giải ngân. DN FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua các đóng góp xã hội, nộp ngân sách Nhà nước, tạo giá trị gia tăng.
 

1
Chuyển giá nhằm trốn thuế của một bộ phận doanh nghiệp FDI vẫn diễn ra hết sức phức tạp.


Dù đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang làm dấy lên những lo ngại đó là tình trạng nhiều DN FDI thường xuyên báo lỗ trong nhiều năm và đóng góp rất ít vào ngân sách nhà nước trong khi vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Hằng năm có trên dưới 50% số DN FDI báo cáo lỗ trong năm tài chính, trong đó 16% báo cáo lỗ mất hết vốn, nhưng rất nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh. Có những doanh nghiệp từ khi đầu tư vào Việt Nam, hoạt động 15 - 20 năm, năm nào cũng báo cáo lỗ, nhưng năm nào cũng mở rộng hoạt động.

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, từ 2012-2016 số lượng DN FDI báo lỗ hằng năm từ 44 - 51%. Đặc biệt, năm 2015 có tới 51% và năm 2016 có tới 50% DN FDI báo lỗ. Còn theo Báo cáo PCI năm 2017 của VCCI, có 37,9% doanh nghiệp báo lỗ.

Có thể “điểm mặt chỉ tên” một số DN FDI đã từng bị “vạch trần” hành vi chuyển giá như Keangnam Vina, chủ đầu tư tòa nhà Keangnam có hành vi nâng khống đầu vào để liên tục khai lỗ trong 5 năm và bị buộc phải nộp truy thu thuế thu nhập DN cho mảng kinh doanh bán căn hộ là 95,2 tỷ đồng. Metro Cash & amp; Carry, bị “vạch trần” hành vi chuyển giá sau 12 năm hoạt động tại Việt Nam, truy thu hơn 507 tỷ đồng.  Hay gần đây nhất là Grab liên tục báo lỗ, có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng... Con số này cho thấy tình trạng chuyển giá của DN FDI ngày càng gia tăng và phức tạp.

Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề chuyển giá không chỉ riêng ở nước ta mà xảy ra ở tất cả các thị trường có DN FDI. Tuy nhiên, ở Việt Nam tình trạng này trầm trọng hơn vì chúng ta không có kinh nghiệm để tránh việc chuyển giá ngay từ khâu cấp giấy phép cho tới vấn đề thanh tra, kiểm tra, khai thuế, khai giá bán để xuất khẩu. Dù hoạt động tốt nhưng DN FDI nộp ngân sách thấp, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên sử dụng và việc đảm bảo môi trường.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng này do DN FDI lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao (như tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân…) để chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Hệ lụy của chuyển giá lên nền kinh tế là quá trình hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô gặp khó khăn, ngành sản xuất nội địa chậm phát triển, đặc biệt gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư dần phụ thuộc và bị chi phối bởi quốc gia khác.

Không thu hút đầu tư bằng mọi giá

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục thống kê, giai đoạn 2011-2016, DN FDI có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực ngoài nhà nước 181%. Song thuế và các khoản nộp ngân sách của DN FDI chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước.

Từng nhận được nhiều ưu đãi, từng được trải thảm chào đón, là mẫu hình thành công thu hút đầu tư, được ưu đãi tối đa... nay các doanh nghiệp này lại là đối tượng bị giám sát vì thua lỗ, chuyển giá. Có một nghịch lý đang tồn tại, DN FDI tuy liên tục báo lỗ nhưng tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam tăng từ 50% lên 60%.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, điều này rất phi lý, vì trong cơ chế thị trường, kinh doanh thua lỗ thì doanh nghiệp hoặc phải thu hẹp hoạt động, hoặc phá sản, giải thể, đóng cửa, hoặc chuyển hướng kinh doanh, chứ không thể mở rộng hoạt động. TS. Hiếu phân tích, hành vi chuyển giá của các DN FDI khiến thị trường tư liệu sản xuất và thị trường tiêu dùng trong nước phải chịu mức giá cao bất hợp lý, hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, hạn chế khả năng cạnh tranh giữa các DN Việt Nam với các DN nước ngoài, tạo ra một thị trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.

Ông Wim Douw, chuyên gia cao cấp về chính sách đầu tư, nhóm Ngân hàng Thế giới, chia sẻ, ưu đãi đầu tư là công cụ chính sách hạn chế, đi kèm với rủi ro. Các ưu đãi của Việt Nam cho các nhà đầu tư chủ yếu là ưu đãi về thuế, tài chính như miễn giảm thuế, cho thuê đất ưu đãi... Tuy nhiên, Việt Nam còn phụ thuộc nặng vào chính sách miễn thuế có thời hạn, một công cụ đã được chứng minh “chỉ có lợi cho doanh nghiệp FDI “dễ bay nhảy” với tầm nhìn ngắn hạn.

Từ thực trạng này, để thu hút, quản lý vốn FDI có hiệu quả, Chính phủ đã khẳng định, không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc, các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời rà soát, đánh giá chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay để nghiên cứu, đề xuất đánh giá chính sách thu hút FDI cho giai đoạn tới.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế như: ban hành chính sách mới; trong đó, có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, các cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế… Cần có cơ chế kiểm soát để hạn chế DN FDI lỗ luỹ kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để hưởng ưu đãi thuế. Đồng thời, cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam khẳng định, Chính phủ cần thay đổi chính sách thuế theo hướng tích cực và minh bạch và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia./.
“Các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI của Việt Nam hiện nay lại đang là lấy của nhà nghèo chia cho người giàu. Chúng ta ưu đãi cho DN FDI như thế nào thì cũng phải ưu đãi cho DN trong nước như thế ấy. Các DN FDI thì lớn lên trong khi DN Việt Nam ngày một teo đi. Chính phủ cần tính toán lại các ưu đãi thuế, phí, đất đai, tài nguyên…để tạo nên bình đẳng với khu vực DN tư nhân trong nước” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

 

 

Theo VOV

.