Ông Phiu làm giàu từ mô hình kinh tế vườn rừng

Chủ Nhật, 29/07/2018, 15:43 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Bạc Cầm Phiu, bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng là một điển hình của việc tận dụng và phát huy lợi thế địa phương để phát triển kinh tế gia đình. Trang trại có quy mô trên 10ha gồm: Trồng rừng, cà phê và chăn nuôi gia súc, gia cầm, cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Trước đây gia đình ông Phiu thuộc hộ đói nghèo. Hàng năm, ngoài việc làm nương như bao hộ khác trong bản, gia đình ông cũng chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng không đủ chi phí trang trải cuộc sống cho 7 nhân khẩu. Không cam chịu đói nghèo, nhận thấy điều kiện thuận lợi của vùng rừng núi, ông Phiu đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mô hình trang trại trồng cà phê, trồng rừng kết hợp chăn nuôi.

1
Khu rừng 10ha, chủ yếu là cây dổi găng của gia đình ông Bạc Cầm Phiu, bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng đang phát triển tốt

 

Năm 2003, khi bắt tay vào trồng rừng, gia đình ông Phiu gặp không ít khó khăn do thiếu vốn và kinh nghiệm. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân về vốn và kỹ thuật trồng rừng, ông Phiu đã từng bước tháo gỡ được khó khăn trước mắt. Ông nhận thấy rằng, vấn đề quyết định đến sự thành bại trong sản xuất lâm nghiệp đó là khâu chọn giống và chăm sóc cây sau khi trồng.

Bởi thế, ông đã sử dụng giống cây có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt của các đơn vị cung ứng uy tín và trồng rừng đúng quy trình, kỹ thuật. Với tinh thần và ý chí vượt khó vươn lên, ông xác định để kinh tế gia đình đi lên một cách bền vững trong điều kiện ít vốn thì, phải thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tìm ra nguồn thu khác trong khi chờ diện tích rừng cho thu hoạch.

Nghĩ và làm, ông đã cải tạo lại nguồn quỹ đất sẵn có của gia đình thành ao, với diện tích mặt nước gần 2.000m2 để nuôi cá thương phẩm. Mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 50 triệu đồng từ bán cá. Ðây cũng là nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống và có thêm vốn đầu tư cho trồng rừng. Từ chỗ chỉ vài hata rừng, đến nay gia đình ông đã mở rộng diện tích rừng trồng lên 10ha, chủ yếu là cây dổi găng. Hiện nay, rừng trồng của ông Phiu ước tính có khoảng 3.000 cây dổi găng chuẩn bị cho thu hoạch.
 
Song song với trồng rừng, ông Phiu tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng cà phê và phát triển dưới tán rừng gần 7ha cà phê. Qua thực tế cho thấy, việc trồng xen các loại cây trong vườn cà phê sẽ phát huy được tác dụng chắn gió và che mát cho cây cà phê trong mùa khô, giảm được lượng nước tưới đáng kể. Hơn nữa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất cà phê của gia đình ông luôn đạt hơn 2 tấn nhân/ha.

1
Gần 7ha cà phê của gia đình ông Bạc Cầm Phiu (Người giữa), bản Nà Dên, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng đanh cho thu hoạch

 
Hiện nay ông Phiu còn trồng hơn 1ha chuối tiêu hồng, đây là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư không cao, thị trường tiêu thụ rộng, năng suất cao và điểm vượt trội là cho thu nhập ổn định. Nguồn thu từ trồng chuối giúp ông có tiền để chi trả nhân công lao động, chi phí hàng ngày. Ông Phiu cho biết, hiện ông đang trồng các loại cây ăn quả xen vào các diện tích trồng cà phê, để khi khai thác diện tích cây gỗ dổi, vẫn có thêm thu nhập từ các loại cây ăn quả này.
 
Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình kinh tế vườn rừng của gia đình ông Phiu đã và đang tạo việc làm thường xuyên và theo thời vụ cho nhiều lao động nông thôn, với mức thu nhập ổn định từ 2-4 triệu đồng/tháng. Từ thành công của mô hình kinh tế vườn - rừng của gia đình ông Bạc Càm Phiu, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Mường Ảng đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm để phát triển mô hình kinh tế vườn rừng./.

 

 

Tuấn Trung/Dienbientv.vn

.