Làm giàu nhờ "ăn ké" hàng khuyến mãi

Thứ Tư, 04/07/2018, 07:17 [GMT+7]

Mới xuất hiện trên thị trường chưa bao lâu nhưng loại hình kinh doanh hàng khuyến mãi đã thu hút được sự quan tâm của không ít người tiêu dùng.
 
Tiêu thụ mạnh do giá rẻ

Tại một quầy hàng tạp hóa trong chợ Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bày bán đủ loại hàng mang tem mác của nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam như: hộp đựng thức ăn Lock & Lock, máy ép hoa quả Sony, vali Lock & Lock, balo Moony, nồi hấp Fivestar… Giá thành các mặt hàng đều khá rẻ, nhiều món còn rẻ hơn giá thị trường 2-3 lần. Như hộp Lock & Lock bảo quản thực phẩm cỡ bé thông thường có giá khoảng 80.000 - 100.000 đồng/hộp, nhưng tại đây chỉ dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/hộp; vali Lock & Lock giá niêm yết 1.890.000 đồng/cái, được bán với giá 590.000 đồng/cái…

Chị Vân, chuyên kinh doanh hàng khuyến mãi ở chợ Mai Động cho biết, hàng thường về theo từng đợt, nhất là sau các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm trong năm sẽ có nhiều món hàng của các thương hiệu lớn với giá “mềm” hơn chính hãng rất nhiều.
 

1
Bộ hộp thủy tinh Lock & Lock được các cửa hàng kinh doanh hàng khuyến mãi bán với giá 340.000 - 420.000 đồng/bộ, trong khi giá thị trường khoảng 700.000 - 850.000 đồng/bộ.


“Hàng khuyến mãi thường là của các hãng có tên tuổi nên chất lượng các sản phẩm này khá tốt, mẫu mã đẹp, giá lại rẻ hơn nhiều giá niêm yết nên có khá đông khách mua. Nhiều mặt hàng “hot” khách mua đông, “cháy hàng”, không có để bán”, chị Vân cho biết.

Không chỉ được bày bán tại các cửa hàng, trên nhiều diễn đàn như webtretho, lamchame - địa chỉ quen thuộc chia sẻ các mẹo vặt trong cuộc sống của các chị em hay các trang mạng xã hội như facebook, fanpage, shopee, instagram… cũng đang rao bán khá nhiều loại hàng khuyến mãi với  mức giá vô cùng hấp dẫn. Theo đó, nếu có nhu cầu, khách hàng chỉ cần ngồi nhà gọi điện, hay đặt hàng qua mạng là có thể mua được những món hàng ưng ý.
 

1
Hàng khuyến mãi được rao bán khá phổ biến trên nhiều trang mạng xã hội


Theo tìm hiểu của phóng viên, hàng khuyến mãi là hàng tặng đi kèm của các nhãn hàng lớn, có thương hiệu, để kích cầu như: mua ti vi tặng bộ bát sứ; mua sữa tặng balo, bàn học; mua tủ lạnh tặng bộ hộp đựng thực phẩm Lock & Lock... Mặc dù hầu hết những người bán hàng đều cho rằng đây là hàng thừa, hàng tồn, tuy nhiên, một phần nguồn hàng khuyến mãi của các thương hiệu lớn có trên thị trường hiện nay là hàng tặng kèm theo sản phẩm, nhưng đại lý lại cất đi, không phát cho khách hàng; hoặc chương trình khuyến mãi kết thúc mà hàng tặng vẫn còn, được bóc tách riêng hàng tặng để bán. Bên cạnh đó, cũng có khi hàng sắp hết hạn nên các siêu thị tung ra tặng kèm, và một thời gian sau được bày bán trôi nổi trên thị trường.

Chính mức giá “hời” cùng mác các thương hiệu lớn đã khiến cho dòng hàng khuyến mãi được nhiều bà nội trợ ưa chuộng. Đặc biệt, trong thời điểm thắt chặt chi tiêu thì các cửa hàng đồ khuyến mãi càng có sức hút, nhất là đối với các gia đình trẻ.

Chị Bích (nhân viên văn phòng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, chị hay mua sắm ở các cửa hàng bán đồ khuyến mãi, thích nhất là săn được những món hàng chất lượng, độc, rẻ của các thương hiệu lớn tặng kèm sản phẩm.

“Người bán cho biết đó là hàng ở siêu thị, nhưng do hết đợt khuyến mãi, giảm giá rồi nên bán ra. Hàng khuyến mãi này giá rẻ hơn hẳn, song chất lượng khá tốt vì các nhãn hàng thường chọn đồ có chất lượng làm quà tặng cho khách hàng để giới thiệu sản phẩm”, chị Bích nói.

Việc "ăn ké" hàng khuyến mãi đang đem đến cho các tiểu thương khoản lợi nhuận không nhỏ, vì vốn bỏ ra không lớn như giá trị hàng, nhưng rất nhiều mặt hàng được người dùng ưa chuộng, tìm mua.

“Sau khi sinh con, tôi ở nhà làm nội trợ, trông con, nhờ bán hàng khuyến mãi qua facebook nên thu nhập của gia đình tôi khá hơn hẳn. Nhiều tháng đông khách, tôi kiếm được gấp mấy lần lương chồng tôi ở công ty”, chị Nguyễn Tường Vân (ở Tân Mai, quận Hoàng Mai) chia sẻ.

Người tiêu dùng nên nói "Không" với hàng khuyến mãi

Theo Luật Thương mại năm 2005, các chương trình khuyến mãi phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch, được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Song hiện nay, việc cung cấp thông tin về các chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp khá mập mờ, như: không nói rõ về thời gian khuyến mãi, số lượng quà tặng khách hàng được nhận khi mua sản phẩm, cố tình không đưa hay đánh tráo quà tặng… Đây là lý do khiến các mặt hàng khuyến mãi được tuồn ra thị trường và bày bán tràn lan như hiện nay.

“Trong trường hợp khách hàng phát hiện mình bị ăn chặn, bị “ỉm” hàng khuyến mãi thì có thể thông báo đến Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết, đồng thời có thể yêu cầu bồi thường các thiệt hại phát sinh (nếu có)”, ông Nguyễn Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khuyến cáo.

Ðể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh việc các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, mỗi khách hàng trước khi đi mua hàng cũng cần tìm hiểu kỹ về chương trình khuyến mãi, yêu cầu các cửa hàng thực hiện nghiêm túc chương trình như đã cam kết. Ngoài ra, để hành vi “ăn chặn” hàng khuyến mãi không còn đất sống, người tiêu dùng cũng không nên ham rẻ, tiếp tay cho các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này./.

 

 

Theo VOV

.