Kinh tế chia sẻ: Cơ hội nào cho Việt Nam?

Thứ Năm, 12/07/2018, 14:25 [GMT+7]

Kinh tế chia sẻ giúp thị trường cạnh tranh hơn, loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm, người tiêu dùng hưởng lợi...
 
Kinh tế chia sẻ là một phần tất yếu của nền kinh tế số, là kết quả của ứng dụng đổi mới sáng tạo cho tăng năng suất của các ngành. Mô hình kinh tế chia sẻ tạo và tăng hiệu quả kinh tế nhờ qui mô.
Các diễn giả tại Hội thảo quốc tế "Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam" khẳng định: Hoạt động kinh tế chia sẻ vận hành theo phương thức kinh doanh mới, đang tái cấu trúc nhiều ngành nghề kinh tế, nhất là khu vực dịch vụ với nhiều ưu điểm như tăng hiệu quả sử dụng nguôn lực, linh hoạt cao, tạo nhiều cơ hội hơn cho người sử dụng, tính minh bạch cao, tăng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều thách thức, trước hết đối với quản lý nhà nước.
 

1
Hội thảo "Kinh tế chia sẻ: Các xu hướng lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam" do Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học & Công nghệ và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 12/7.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, mô hình kinh tế chia sẻ khá mới mẻ trên thế giới và lại càng mới mẻ ở Việt Nam. Mô hình kinh tế này phát triển mạnh trong những năm gần đây ở một số nước trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội do giúp giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản và tài nguyên hiệu quả hơn.

Lợi ích về tiết kiệm tài nguyên của kinh tế chia sẻ có hiệu ứng tích cực tới môi trường khi giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức trong nền kinh tế, ông Thắng nêu rõ.

Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ” tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ. Đề án này đang được xây dựng để triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên của Chính phủ và cũng để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng chỉ ra rằng kinh tế chia sẻ có thể làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua và người bán, cũng như nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia...

Do đó, ông Thắng nhấn mạnh, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý: Bản chất của kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.

"Hốt bạc" từ cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ đang nổi lên ở các nhóm nghề như dịch vụ vận tải (Uber, Grab,…); dịch vụ du lịch và khách sạn (Airbnb, VRBO); dịch vụ lao động, việc làm, dịch vụ tài chính..., TS, Tuệ Anh cho biết, đồng thời thông tin thêm rằng, doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp nền tảng ứng dụng kinh tế chia sẻ đạt 15 tỷ USD vào năm 2014 (theo Pwc, UK), và dự báo sẽ đạt đến 335 tỷ USD vào năm 2025 – tăng gấp 22 lần trong vòng 10 năm.
 

1
 Kinh tế chia sẻ giúp thị trường cạnh tranh hơn, loại hình dịch vụ đa dạng hơn...

 

Về cơ hội đối với Việt Nam, Phó viện trưởng CIEM đánh giá, kinh tế chia sẻ sẽ tạo ra phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0. Thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động.

Kinh tế chia sẻ cũng sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, cũng như thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam.

Song, để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nền kinh tế chia sẻ, TS. Tuệ Anh cho rằng, cần tuân theo nguyên tắc chung: linh hoạt, lấy lợi ích xã hội là thước đo. Nhà nước cần tạo nhiều cơ hội và giảm rủi ro cho các bên tham gia, cần hợp tác với các công ty nền tảng.

Bên cạnh đó, cần bảo vệ người tiêu dùng, an toàn thông tin, đảm bảo thỏa thuận hợp động được thực thi. Tránh gây bất lợi làm hạn chế gia nhập và hạn chế đổi mới: dễ dàng gia nhập hay rút khỏi thị trường; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, TS. Tuệ Anh đề xuất./.

 

 

Theo VOV

.