Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn yếu việc mở rộng thị trường

Thứ Năm, 12/07/2018, 07:53 [GMT+7]

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu khả quan, nhưng thị trường vẫn là khâu yếu nhất của doanh nghiệp Việt.
 
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ số phát triển kinh tế có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, nổi bật là kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 114 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
 

1
6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam ước đạt gần 114 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Nguyễn Hằng).


Việc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các Hiệp định thương mại tự do FTA đang mở ra cơ hội thị trường mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, cho cả các nông hộ. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, dù có được tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu khá khả quan, nhưng thị trường vẫn là khâu yếu nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng xuất khẩu. Nhất là, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn thiếu và yếu về công tác dự báo cung - cầu thị trường, thiếu thông tin về chính sách và thị trường xuất khẩu...

Chỉ riêng lĩnh vực dệt may, tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng qua tăng 13,8% so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay với giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 33 tỷ USD. Công nghiệp 4.0 với xu thế tự động hóa, thay thế lao động thủ công ở nhiều nước đang khiến các doanh nghiệp gia công xuất khẩu phải tính toán lại cơ cấu lao động và đầu tư chiều sâu.

Ngoài việc ổn định các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, ngành dệt may cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu như: Bangladesh, Sri Lanka, Myanmar và Campuchia vốn đang đầu tư mạnh mẽ cho các lĩnh vực dệt may, da giày…

Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty May 10 cho biết, cạnh tranh, chuyển dịch lao động đang là thách thức không nhỏ giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Thân Đức Việt nêu ví dụ, điển hình như đơn hàng, đặt hàng của xuất khẩu tăng nhưng giá trị lại không tăng, hoặc là tăng rất ít. Thêm vào đó lao động của ngành trong năm 2018 này tính cạnh tranh của các doanh nghiệp với nhau, các lĩnh vực kinh doanh khác cũng rất khốc liệt. Do đó, nếu doanh nghiệp không có bề dày, không có chính sách chăm lo tốt cho người lao động thì cũng rất khó khăn.

Là một trong các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) hơn đạt 63 triệu đô la Mỹ, bằng 143% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp này vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt như: gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu… với nhiều thị trường đa dạng.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Hapro, mục tiêu có đạt được hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực chủ động thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp và khả năng đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp, tạo thành chuỗi giá trị.

Thị trường xuất khẩu năm 2018 có nhiều thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường. Song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức nên nếu doanh nghiệp không chủ động, không sẵn sàng và không có sự chuẩn bị trước thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh, thậm chí thua ngay trên sân nhà.

Hạn chế trong khâu kết nối, liên kết chuỗi, chế biến sâu… là tình trạng chung của nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế của đất nước, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, giải được bài toán này, Nhà nước cần có những hỗ trợ cho doanh nghiệp, giải quyết những khâu còn yếu, bởi chỉ doanh nghiệp nỗ lực là chưa đủ. Việc hỗ trợ phải thông qua các chính sách, cơ chế thuận lợi trong môi trường kinh doanh.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những dự báo chính xác về thị trường nước ngoài vẫn là khâu yếu nhất hiện nay. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng của Chính phủ phải đưa ra những thông tin về các thị trường đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào các chuỗi phân phối với quy mô toàn cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải chủ động tìm những thông tin về dự báo, tin tức chính xác trên thị trường là vấn đề cốt lõi cho hoạt động xuất khẩu.

Về lâu dài, chúng ta cần chuyển biến từ gia tăng về "lượng" sang gia tăng về "chất", tăng cường chế biến sâu và tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, điều kiện đủ phải có công tác dự báo, cảnh báo nắm bắt xu thế trước những biến động của thị trường là việc làm hết sức quan trọng. Để từ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chủ động hơn trong quá trình hội nhập quốc tế. Có như vậy, doanh nghiệp mới không bị thua thiệt khi tham gia sân chơi toàn cầu./.

 

 

Theo VOV

.