Doanh nghiệp dệt may đối mặt với thách thức từ hàng giả, hàng nhái
Mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý trên 100.000 vụ liên quan đến hàng giả, hàng nhái, trong đó sản phẩm dệt may chiếm phần lớn.
Thống kê từ Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương cho thấy, mỗi năm phát hiện và xử lý trên 100.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó sản phẩm dệt may, thời trang chiếm phần lớn.
Mỗi năm có hàng nghìn vụ hàng giả, hàng nhái liên quan đến dệt may. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam, việc bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng của các đơn vị thành viên Tập đoàn, đã làm xấu hình ảnh thương hiệu hàng Việt. Điều này khiến các doanh nghiệp bị kìm hãm sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh yếu và khó bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của chính mình. Vì vậy, việc bảo vệ, sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng đối với dệt may Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: “Hàng nhái, hàng giả, hàng không chính hãng là một vấn nạn với tất cả những người sản xuất chân chính. Tuy nhiên, một mình doanh nghiệp thì không thể tự bảo vệ các quyền về sở hữu trí tuệ và thương hiệu. Việc này cần có sự đóng góp của các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng quản lý thị trường, Bộ Khoa học công nghệ trong việc đấu tranh với các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái và cùng với doanh nghiệp chân chính xây dựng thị trường của ngành dệt may Việt Nam thực sự là một thị trường lành mạnh”./.
Theo VOV