Điện Biên

Sức hút từ chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Bảy, 21/07/2018, 08:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm qua, nhờ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà người dân vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên đã có thêm khoản thu nhập, cải thiện đáng kể sinh kế và tác động tích cực đến ý thức bảo vệ rừng. Đặc biệt, việc điều chỉnh tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 147/2016 đã giúp người dân được hưởng số tiền dịch vụ môi trường rừng nhiều hơn, cuộc sống được cải thiện, từ đó tạo sức hút người dân gắn bó với rừng.

Có mặt trong buổi đi tuần tra bảo vệ rừng thường ngày của người dân bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Việc tuần tra, bảo vệ rừng được trưởng bản phân công cụ thể cho từng hộ, nhóm hộ thực hiện thường xuyên hàng tháng.

Bản Tả Ló San hiện có gần 2000 ha rừng được chi trả Dịch vụ môi trường rừng, với mức hưởng lợi trung bình đến năm 2017 là trên 110 triệu đồng/1hộ gia đình/năm. Từ khi được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân bản Tả Ló San đã coi rừng như chính cuộc sống, là sinh kế của họ, do đó dân bản đều có ý thức chung tay bảo vệ và giữ rừng.

1
Người dân bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng

 
Điều vui hơn tại các bản nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé là mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được Chính phủ ban hành Nghị định 147 năm 2016, điều chỉnh tăng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, qua đó người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới được hưởng lợi nhiều hơn từ chính chi trả dịch vụ môi trường rừng.
 
Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được ban hành vào tháng 9/2010 và có hiệu lực từ tháng 1/2011, tại huyện Mường Chà, chính sách này cũng đã tạo một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ rừng khi hướng người dân, cộng đồng ở gần rừng, gắn bó với rừng, qua đó rừng được bảo vệ tốt hơn.

Những hộ gia đình ở bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà được giao khoán bảo vệ hơn 400ha rừng từ năm 2011 đến nay. Đây là một trong những buổi tuần tra bảo vệ rừng thường niên của họ, mỗi tháng họ có vài chuyến vào rừng để thực hiện phát dọn thực bì, tuần tra, kiểm tra lâm phần đã nhận quản lý và bảo vệ.

Bà Giàng Thị Vàng, Người dân bản Cổng trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà vui vẻ cho biết: Tôi rất vui vì được Nhà nước giao khoán bảo vệ rừng, từ khi nhận khoán bảo vệ rừng được Nhà nước hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng. Hai vợ chồng tôi có 3 đứa con, trước đây nhà tôi rất nghèo nhưng từ khi được tham gia bảo vệ rừng cuộc sống gia đình tôi đã tốt hơn, không còn phải lo thiếu đói nữa.

1
Niềm vui của người dân khi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

 

Trước đây, hầu hết diện tích rừng của Mường Chà đều là rừng tạp có hiệu quả kinh tế thấp, cùng với cơ chế hưởng lợi khi nhận khoanh nuôi và phát triển rừng còn thấp nên không khuyến khích được người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng.

Từ năm 2011 trở lại đây, bên cạnh chính sách giao đất giao rừng, nhân dân Mường Chà còn được hưởng lợi từ chi trả dịh vụ môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà đã phối hợp với Trạm Khuyến nông và Ban quản lý rừng phòng hộ triển khai nhiều mô hình thí điểm về trồng và bảo vệ rừng tại nhiều xã, trong đó hướng dẫn cụ thể chủ rừng về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời tổ chức giao khoán trồng mới diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và tạo cơ chế thông thoáng cho người dân khai thác những diện tích rừng sản xuất khi đủ tuổi.

1
Khu rừng nguyên sinh trong Khu bảo tồn quốc gia Pá Khoang - Mường Phăng có trên 700 loài thực vật thuộc 4 ngành thực vật bậc cao, với nhiều loài cây quý nổi tiếng

 

Thăm khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp quốc gia Pá Khoang - Mường Phăng với diện tích trên 4.460 ha, có địa hình núi đất với độ cao trung bình trên 1.000 m so với mặt nước biển. Bao bọc xung quanh hồ là các ngọn núi, với khu rừng nguyên sinh rất phong phú các loài động, thực vật.

Thống kê cho thấy, khu rừng nguyên sinh trong Khu bảo tồn có trên 700 loài thực vật thuộc 4 ngành thực vật bậc cao, với nhiều loài cây quý nổi tiếng như giổi, dẻ, tô hạp, chò xanh, phay sừng, re, xoan, táu xanh, lát hoa, giổi xanh, vàng tâm, thạch hộc gấm… Về động vật, Khu bảo tồn có hơn 300 loài thuộc các loài thú, bò sát, chim và ếch nhái…, trong đó, riêng khu hệ chim được các chuyên gia Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện dự án khảo sát năm 2014. Kết quả khảo sát cho thấy, có 77 loài chim, trong đó có nhiều loài chim quý như vàng anh, chèo bẻo, chích chòe, cò nhạn…

Trong những năm gần đây, hệ sinh thái rừng Mường Phăng bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều loài động, thực vật rừng có nguy cơ tuyệt chủng. Theo kết quả điều tra của Sở NN&PTNT cho thấy, hiện diện tích rừng tự nhiên giảm cả về số lượng và chất lượng cây rừng, chủ yếu chỉ còn rừng ở những phân khu phục hồi sinh thái nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn, cạnh hồ Pá Khoang.

Các loài gỗ quý như chò chỉ, đinh, nghiến đến nay đã không còn, hiện chỉ còn lại một số loài cây như tô hạp, lát hoa, trầm hương… Nhiều loài hiếm nay trở nên rất hiếm và khó gặp như bình vôi, du sam, rau sắng, thông tre, kim giao, lan kim tuyến… Do kích thước của các loài cây rừng giảm, dẫn đến cấu trúc rừng tự nhiên bị phá vỡ, làm giảm khả năng phòng hộ của rừng.

Để bảo vệ rừng Mường Phăng, từ năm 1986, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Chỉ thị số 194/CT quy định diện tích rừng trong khu bảo tồn loài, sinh cảnh Pá Khoang - Mường Phăng là rừng cấm quốc gia. Từ năm 2011, thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, diện tích rừng trong khu bảo tồn loài, sinh cảnh Pá Khoang – Mường Phăng được giao cho cộng đồng hơn 10 thôn, bản thuộc hai xã Mường Phăng và Pá Khoang bảo vệ.

1
Rừng Pá Khoang – Mường Phăng được giao cho cộng đồng hơn 10 thôn, bản thuộc hai xã Mường Phăng và Pá Khoang bảo vệ.

 

Theo đánh giá từ Ban quản lý rừng Mường Phăng và Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, không những tạo nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường rừng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pá Khoang được bảo vệ, đây được xem như “lá phổi xanh” của khu vực lòng chảo Điện Biên, vừa có giá trị về kinh tế, quốc phòng, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
 
Bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình, thực hiện có hiệu quả việc chi trả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, ý thức bảo vệ rừng của người dân Điện Biên đã được nâng lên rõ rệt. Những cánh rừng ở Điện Biên đã vững vàng trước nạn chặt phá rừng đang diễn biến rất phức tạp hiện nay và màu xanh của những cánh rừng đang từng bước được hồi sinh./.

                                      

 

Trần Sơn – Duy Hưng/Dienbientv.vn

.