Nhiều chợ Nông thôn bị bỏ hoang - lãng phí nguồn vốn đã đầu tư
Điện Biên TV - Xây dựng chợ nông thôn là mục tiêu để góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, tiêu thụ các loại nông sản và nhằm thay đổi bộ mặt cho các vùng quê. Thế nhưng, nhiều năm qua không ít chợ trên địa bàn tỉnh Điện Biên xây xong rồi bỏ hoang, không phát huy được hiệu quả đầu tư, gây lãng phí nguồn vốn đã đầu tư.
Chợ Mường Phăng là minh chứng đầu tiên cho tình trạng lãng phí trong đầu tư chợ nông thôn ở tỉnh Điện Biên. Hơn 500 triệu đồng từ nguồn vốn 135 CP đã được dành để đầu tư xây dựng chợ này. Việc đầu tư không chỉ nhằm hoàn thiện về cơ sở hạ tầng nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới, mà quan trọng hơn là xây dựng chợ để thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân.
Chợ Mường Phăng được đầu tư hơn 500 triệu đồng xong hiện nay chợ bỏ không gây lãng phí cho ngân sách nhà nước |
Chợ được đầu tư khang trang với diện tích hơn 1 nghìn mét vuông và bao gồm đầy đủ các hạng mục cần thiết cho hoạt động mua, bán tại địa phương. Thế nhưng, đã hơn chục năm nay, chợ vẫn vắng bóng kẻ bán, người mua.
Cũng bởi lí do đó khiến cho công trình của nhà nước đầu tư bị bỏ không. Và việc họp chợ ngoài đường đã phần nào ảnh hưởng tới trật tự giao thông và mỹ quan nông thôn, nhất là trong những dịp lễ, tết, khi lượng khách du lịch qua lại nơi đây tăng. Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền xã Mường Phăng cũng đã có những trăn trở và thực hiện việc vận động người bán hàng vào họp trong chợ. Tuy nhiên, vì điều kiện thực tế nên việc vận động không thành. Trong khi đó, địa phương cũng chưa có chế tài xử phạt cũng như không có tổ chức chuyên trách quản lý chợ.
Chưa biết khi nào xã Mường Phăng sẽ thành lập được Ban quản lý chợ. Trong khi đó, khi có Ban quản lý chợ cũng chỉ có thể lập lại được trật tự chợ chứ không thể khắc phục được sự lãng phí trong đầu tư. Bởi bao năm nay, số người kinh doanh trên địa bàn xã có tăng nhưng họ đều kinh doanh tại nhà, không có nhu cầu kinh doanh tại chợ.
Xã cũng có định hướng đưa các hộ bán hàng phục vụ du khách tại khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP về chợ nhưng thiếu khả thi. Trong khi đó, xã cũng không có nhu cầu gì trong việc tận dụng chợ để phục vụ cho hoạt động công ích khác. Bởi vậy, sự lãng phí ở chợ Mường Phăng chưa biết còn kéo dài đến khi nào. Trong khi đó, chợ đang có dấu hiệu xuống cấp.
Chợ Mường Toong của huyện Mường Nhé cũng rơi vào cảnh chợ vắng bóng người |
Ngoài chợ Mường Phăng, tỉnh Điện Biên có đến gần chục chợ cũng rơi vào tình trạng tương tự trong nhiều năm qua. Hiện đã có 3 chợ khắc phục được sự lãng phí bằng việc tổ chức chợ phiên và sử dụng vào mục đích công ích khác.
Các chợ còn lại vẫn vắng bóng người như thế này. Cụ thể là ở các chợ như: Chợ Mường Toong của huyện Mường Nhé, chợ Lay Nưa, chợ Chi Luông, chợ Đồi Cao của thị xã Mường Lay và chợ Mường Tùng của huyện Mường Chà. Những chợ này cũng đều có mức đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đối với mỗi chợ nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Các địa phương được đầu tư chợ cũng đã vận động Nhân dân vào chợ họp nhưng cũng đều chung cảnh với Mường Phăng, đó là: Họp trong chợ không hút được khách. Do đó đã tồn tại một nghịch lý: Khi chưa xây dựng chợ, người dân đua nhau bán hàng tại khu vực này. Nhưng khi xây dựng chợ rồi, người dân lại bỏ chợ. Một phần cũng do họ sợ mất tiền phí. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do bán hàng trong chợ sẽ vắng người mua, bởi tính tiện lợi trong việc giao thương.
Qua tình hình tại các chợ cho thấy: yếu tố chính khiến cho các chợ nông thôn không được sử dụng hoặc sử dụng không hết công năng là: Đầu tư quá lớn so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là do trong quá trình đầu tư, nhiều địa phương không khảo sát kỹ về nhu cầu cũng như địa điểm đầu tư, không lấy ý kiến người dân. Ðiều này cho thấy, việc đầu tư xây dựng chợ chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch, nhu cầu của người dân, cũng như sự tính toán thiếu hợp lý.
Chợ Đồi Cao - thị xã Mường Lay cũng không sử dụng hết công năng gây lãng phí khi thiết kế thi công |
Bởi vậy, với cấp ủy và chính quyền các địa phương, cùng các ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc tìm giải pháp thích hợp để các chợ đã đầu tư xây dựng phát huy được hết công năng. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tiểu thương vào buôn bán tại những chợ mới xây, dẹp chợ tạm, chợ cóc.
Ðặc biệt, cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác quy hoạch, xây dựng. Với các địa phương chưa có chợ hoặc đang có kế hoạch xây dựng chợ cũng cần có sự tính toán kỹ lưỡng trong việc quy hoạch, khảo sát, thiết kế để tránh tình trạng lãng phí trong đầu tư chợ nông thôn như đã xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên./.
Lê Dung - Duy Hải/Dienbientv.vn