Quản lý phân phối: Nguy cơ biến tướng thêm điều kiện kinh doanh

Thứ Tư, 06/06/2018, 16:58 [GMT+7]

Một số quy định không rõ trong Dự thảo về mục tiêu quản lý nhà nước có nguy cơ biến tướng thành điều kiện kinh doanh bất hợp lý.
 
Theo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối do Bộ Công Thương xây dựng có quy định, siêu thị tiêu chuẩn phải có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000m2; phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại...

Cùng với đó, Dự thảo cũng quy định, yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h sáng đến 22h tối. Mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền, mỗi đợt giảm giá phải diễn ra trong tối thiểu 30 ngày…
 

1
Quy định tiêu chuẩn diện tích siêu thị có thể làm giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.


Góp ý về Dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mục tiêu của Dự thảo bao trùm toàn bộ các vấn đề về phát triển và quản lý ngành phân phối là quá rộng, chưa thật sự cần thiết và thuyết phục.

Dự thảo được thiết kế theo hướng thêm nhiều ràng buộc một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà không rõ mục tiêu quản lý nhà nước cụ thể, có thể dẫn tới sự can thiệp, cản trở bất hợp lý hoạt động của doanh nghiệp. Một số quy định khống chế đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại.

“Nội dung của giải pháp có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh, trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư. Việc đặt ra nhiều yêu cầu đối với hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại trong khi chưa đánh giá một cách cụ thể tác động của các quy định này đối với hoạt động kinh doanh có thể khiến chính sách chưa phù hợp, cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, góp ý của VCCI nêu rõ.

VCCI cũng nhận định, một số quy định không rõ về mục tiêu quản lý nhà nước có nguy cơ biến tướng thành điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Trong khi Chính phủ và Bộ Công Thương đang nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà Bộ quản lý, nhưng một số nội dung trong Dự thảo về bản chất lại đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới và do đó cần được cân nhắc lại.

Cùng với VCCI, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng có ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối. Đối với quy định tiêu chuẩn siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000m2, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, đây là quy định cứng nhắc làm giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – bà Đinh Thị Mỹ Loan nhận xét, không nên quy định diện tích “trần” cho siêu thị, vì với những siêu thị có diện tích lớn hơn quy định chuẩn sẽ rất khó phân loại. Tương tự, việc bắt buộc siêu thị phải có các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại là không thực tế và không nhất thiết.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, cần phải xem xét lại quy định siêu thị phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, để đảm bảo tỷ lệ phù hợp với các cam kết quốc tế.

Ngoài ra, theo bà Loan, quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược chiều với thông lệ quốc tế.

Phản hồi các ý kiến trên, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp của các văn bản có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan.

Dự thảo nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối; bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, Vụ Thị trường trong nước nêu quan điểm./.

 

 

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV

.