Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trị được "bệnh" cạnh tranh không lành mạnh?

Thứ Tư, 13/06/2018, 07:25 [GMT+7]

 Luật Cạnh tranh (sửa đổi) có nhiều quy định "mạnh tay" với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xử lý nghiêm cơ quan nhà nước cản trở cạnh tranh...
 
Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều quy định nghiêm cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bổ sung cơ chế xử lý cơ quan nhà nước cản trở cạnh tranh...
 

1
Thị trường càng cạnh tranh khốc liệt thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi. (Ảnh minh họa)


Theo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm bao gồm việc xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh, ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.

Việc cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác hoặc gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng bị cấm trong luật này.

Ngoài ra, Luật Cạnh tranh cũng cấm hành vi lôi kéo khách hàng bất chính và bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sáng 12/6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ chế xử lý trong trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện những hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định tại Khoản 1 Điều 113 của dự thảo Luật với nội dung cụ thể: "Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả. Cơ quan nhà nước được yêu cầu phải chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật".
 
Có ý kiến cho rằng, khoản 2 Điều 12 quy định các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được quy định tại khoản 7 và 8 Điều 11 của dự thảo Luật bị cấm nếu thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường trong khi Bộ luật Hình sự quy định các hành vi này bị xử lý trong trường hợp "khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên". Đề nghị cần cân nhắc để đảm bảo tính đồng bộ, tránh hẹp hơn so với quy định của Bộ luật Hình sự.

Ông Vũ Hồng Thanh giải trình, Điều 217 Bộ Luật hình sự quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại khoản 7 và 8 Điều 11 của dự thảo Luật theo cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh hiện hành khi các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên (đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh dựa trên thị phần). Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tiếp cận theo hướng cấm các hành vi thỏa thuận nêu trên nếu gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường (Điều 12 của dự thảo Luật).

Điều đó cho phép cơ quan cạnh tranh điều tra, xử lý đối với các hành vi này trong trường hợp gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường, kể cả trong trường hợp thị phần kết hợp của các bên tham gia thỏa thuận nhỏ hơn 30% nhưng có những yếu tố khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể (theo tiêu chí đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật).

Điều 13 dự thảo Luật quy định các tiêu chí đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trong đó có tiêu chí mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm tại khoản 7 và 8 dự thảo Luật thỏa mãn các yếu tố cấu thành hành vi tội phạm quy định tại Điều 217 Bộ Luật hình sự, thì  Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự theo quy định tại Điều 85 dự thảo Luật, ông Thanh cho hay./.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019.
Luật gồm 10 chương, 118 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh./.

 


Theo Trần Ngọc/VOV

.