Khoảng 50% thẻ ngân hàng tại Việt Nam là thẻ "chết": Rất lãng phí

Chủ Nhật, 10/06/2018, 16:16 [GMT+7]

 Để tăng thị phần, nhiều ngân hàng miễn phí phát hành thẻ. Đây là nguyên nhân khiến một lượng lớn thẻ ATM trở thành “rác”, gây nên hệ lụy không đáng có.
 
Theo Hiệp hội Thẻ Việt Nam, tính đến hết năm 2017, cả nước có khoảng 132 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành, chỉ có 77 triệu thẻ hoạt động thực sự, 55 triệu thẻ còn lại là thẻ “rác”.

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế lượng người dùng thẻ, bởi con số này sẽ không ngừng tăng lên do các ngân hàng vẫn tiếp tục phát hành thêm nhiều loại thẻ, nhất là thẻ ATM. Điều này dẫn đến thực trạng, một lượng lớn thẻ ATM đã trở thành thẻ “rác” do người dùng chỉ đăng ký nhưng không sử dụng. Theo ước tính của một lãnh đạo ngân hàng, có đến 50% số thẻ được phát hành hiện nay là thẻ “chết” hay thẻ “ngủ đông”.
 

1
Có đến 50% số thẻ ngân hàng được phát hành hiện nay là thẻ “chết” hay thẻ “ngủ đông”. (Ảnh: KT)


Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do áp lực về chỉ tiêu của nhân viên ngân hàng. Hàng tháng, hàng quý, nhân viên phòng thẻ của các ngân hàng được giao chỉ tiêu về số lượng thẻ tín dụng mở mới. Nếu không hoàn thành số lượng được giao, họ có thể bị trừ lương, trừ thưởng, ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp loại nhân viên cuối năm.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại cũng đua nhau phát hành thẻ để đạt chỉ tiêu, mở rộng thị phần mặc dù khách hàng không có nhu cầu sử dụng. Chính do việc mở thẻ ồ ạt này đã khiến một người có đến 3-4 thẻ ngân hàng khác nhau, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ 1-2 thẻ.

Việc thẻ “rác” ngân hàng tồn tại với một số lượng lớn hiện nay dẫn đến nhiều hệ lụy. Trong đó thiệt hại nhiều nhất là người tiêu dùng khi phải trả những chi phí không cần thiết. Cụ thể, với một thẻ ngân hàng, số dư tối thiểu để duy trì thẻ từ 50.000-100.000 đồng, chưa kể phí thường niên.

Đối với thẻ tín dụng, mức phí thường niên tùy theo cấp thẻ, tùy theo ngân hàng dao động từ 500.000-800.000 đồng/năm. Với thời hạn của một thẻ duy trì trong ít nhất 3 năm hoặc có thể dài hơn, thì người dùng sẽ mất từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng cho những năm tiếp sau.

Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, có tới 50% thẻ đã phát hành mà không được sử dụng một cách hiệu quả thì đây là sự lãng phí rất lớn cho các ngân hàng và mọi thành phần kinh tế. Còn đối với khách hàng, ngoài việc phải trả một khoản phí thường niên nhất định thì thẻ “ngủ đông” không sử dụng có nguy cơ gây nên rủi ro cho khách hàng. Kẻ gian có thể xâm nhập vào hệ thống hạch toán của ngân hàng để lấy cắp thông tin của chủ thẻ và sử dụng.

Ông Hiếu cho rằng, với số lượng thẻ rác quá lớn sẽ gây tốn phí cho các ngân hàng cho toàn xã hội. Do đó, các ngân hàng cần xem xét lại việc giao chỉ tiêu phát hành thẻ cho cán bộ nhân viên hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Nên giao chỉ tiêu hợp lý, không nên gây áp lực cho cán bộ nhân viên trong việc chạy theo số lượng thẻ và phát hành được càng nhiều thẻ càng tốt. Đây là điều bất hợp lý.

“Về phía cán bộ, nhân viên, không nên chạy theo chỉ tiêu để chạy tìm những khách hàng mà họ không có nhu cầu để mở tài khoản và phát hành thẻ, việc làm này sẽ ảnh hưởng đến lượng thẻ “rác” đã và đang tồn tại hiện nay.

Đối với khách hàng, nên cảnh giác với những nguy cơ rủi ro khi sử dụng thẻ. Vì thế chỉ nên sử dụng thẻ một cách hợp lý nhất, chỉ mở những thẻ cần thiết mà thôi, đặc biệt cân nhắc khi mở thẻ ghi nợ, thẻ sử dụng ATM và thẻ tín dụng. Theo tôi, chỉ cần mở 2 tài khoản với 2 ngân hàng khác nhau và trên mỗi tài khoản có 1 thẻ ghi nợ và 1 thẻ tín dụng”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay./.

 

 

Theo VOV

.