Chống hàng giả bằng mã số mã vạch vẫn chưa phát huy hiệu quả
Mã số mã vạch là một trong những giải pháp hiệu quả chống hàng giả tuy nhiên vẫn chưa được tận dụng để phát huy.
Một trong những giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp đối phó với nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường là áp dụng mã số mã vạch vào quản lý hàng hóa. Đây cũng được coi là xu hướng tất yếu khi công nghệ số ngày càng phát triển mạnh.
Mã số mã vạch là một trong những công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu tự động giúp nhận diện hàng hóa dễ dàng và chính xác hơn.
Mã số, mã vạch trên sản phẩm giúp người dùng biết được nguồn gốc xuất xứ và quy trình nuôi trồng cơ bản. (Ảnh minh họa: KT). |
Theo ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam được công nhận là thành viên chính thức của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GS1) từ tháng 5/1995 và được cấp đầu mã số quốc gia là 893.
Ứng dụng mã số mã vạch trong chuỗi cung ứng tạo nên phương thức bán hàng văn minh, đáp ứng nhu cầu khách hàng, hàng hóa lưu thông thông suốt, giảm lao động thủ công. Hiện có khoảng 23.000 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký sử dụng mã số mã vạch nhằm lưu thông hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mã số mã vạch Việt Nam đánh giá, mã số mã vạch là một trong những công cụ đắc lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp theo hướng văn minh, hiện đại, minh bạch, công khai và hiệu quả.
"Việc áp dụng mã số mã vạch ngày càng phổ biến, quy mô lớn hơn, đồng thời các chức năng của mã số mã vạch cũng được mở rộng. Ngoài việc thanh toán tiền hàng, mã số mã vạch còn làm nhiệm vụ quản lý giá, dự trữ, chất lượng hàng hóa và hạn sử dụng, phát hiện hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", ông Vũ Vinh Phú cho biết.
Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy, số lượng doanh nghiệp cũng như số lượng hàng hóa của Việt Nam ứng dụng công nghệ mã số mã vạch còn thấp. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức cả từ phía doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Ứng dụng mã số mã vạch được triển khai đồng bộ cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa giúp hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. (Ảnh: KT). |
Theo đánh giá của giới chuyên gia, người tiêu dùng hiện chưa có thói quen kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua mã số mã vạch trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư duy buôn bán nhỏ lẻ, chú trọng lợi nhuận hơn chất lượng.
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu doanh nghiệp không sớm thay đổi tư duy, cách làm sẽ sớm tự "đào thải" khỏi chuỗi sản xuất - thị trường.
Theo ông Trần Văn Vinh, việc ứng dụng mã số mã vạch nếu được triển khai đồng bộ cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn cả nước, sẽ tạo sự liên kết có hệ thống, quản lý chặt chẽ, quy củ hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí phát sinh, đồng thời giảm tối đa tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ông Trần Văn Vinh cho biết thêm, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang thí điểm vận hành phần mềm chính thống quét mã vạch trên điện thoại di động và cơ sở dữ liệu quốc gia về sản phẩm sử dụng mã số mã vạch GS1 theo định hướng phục vụ người tiêu dùng, siêu thị và các đơn vị liên quan.
Cơ sở dữ liệu quốc gia này có vai trò tích cực hỗ trợ công tác quản lý như trao đổi và kiểm soát thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm, đảm bảo chất lượng mã số mã vạch GS1 đúng quy định, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cung cấp thông tin về nhà nhập khẩu khi sử dụng mã nước ngoài, đặc biệt áp dụng trong xác định nguồn gốc sản phẩm./.
Theo Vân Anh/VOV