Phát huy phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ" trên mặt trận phát triển kinh tế
Điện Biên TV - Trải qua quá trình chiến đấu, rèn luyện, trưởng thành trong lực lượng vũ trang nhân dân, sau khi trở về với cuộc sống đời thường các cựu chiến binh lại tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” trên mặt trận phát trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước, xây dựng quê hương giàu đẹp, trở thành những tấm gương sáng cho con cháu học tập noi theo.
Sau 3 năm nỗ lực phấn đấu, rèn luyện tại đơn vị D24 đóng quân ở huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu cũ), năm 1988 cựu chiến binh Phạm Văn Dưỡng (đội 7, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) xuất ngũ trở về địa phương lập gia đình, tham gia phát triển kinh tế. Cuộc sống gia đình vốn dĩ khó khăn lại thêm 2 con nhỏ lần lượt ra đời khiến gia đình ông luôn sống trong cảnh thiếu đói.
Dù đã vất vả làm ruộng, chịu khó đi đóng gạch, xẻ gỗ thuê nhưng cuộc sống gia đình cũng chẳng đủ ăn. Song phát huy bản chất người lính “Bộ đội cụ Hồ” kiên cường, nghị lực, không nản chí trước mọi thứ thách, khó khăn, sau nhiều đêm suy nghĩ tìm cách thoát nghèo, năm 1995, ông mạnh dạn vay vốn để đầu tư ấp trứng vịt lộn đổ cho các quán ăn trên địa bàn thành phố. Công việc làm ăn thuận lợi giúp ông có thêm động lực, quyết tâm phát triển kinh tế gia đình.
Cựu chiến binh Phạm Văn Dưỡng, đội 7, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) cho cá ăn. |
Năm 1999, từ số tiền vay ngân hàng và số vốn tích cóp của gia đình ông đã đầu tư mua 1,2 ha đất ở và đất ruộng để làm trang trại, đào ao nuôi cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ tích cực hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, người thân trong và ngoài tỉnh, đảm bảo đúng quy trình chăm sóc, phòng bệnh nên việc chăn nuôi của gia đình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Hiện trang trại của gia đình ông có 6.000m2 ao nuôi cá thương phẩm, cá giống, nuôi 300 con vịt đẻ, 500 con gà, tạo nguồn thu nhập ổn định lên tới gần 200 triệu đồng/năm.
Qua đó, không chỉ giúp gia đình thoát cảnh đói nghèo, xây dựng cơ ngơi khang trang, mua sắm vật dụng, máy móc cần thiết phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi của xã. Tiếp tục mở rộng phát triển kinh tế, đầu năm 2018, cựu chiến binh Phạm Văn Dưỡng đã trồng thêm 6.000m2 cây ăn quả các loại: Nhãn, vải, xoài, mít, na… nhằm nâng cao hơn nữa nguồn thu nhập cho gia đình.
Cũng là cựu chiến binh từng có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đói song với bản chất cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, tích cực học tập kiến thức từ người đi trước, ông Nguyễn Văn Huyến (đội 3, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) đã vươn lên phát triển kinh tế, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi trong xã. Ông Huyến chia sẻ: Năm 1987, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông cùng gia đình chịu khó làm ruộng, vay vốn mua máy cày, máy tuốt lúa để làm dịch vụ nông nghiệp nhưng cũng chỉ đủ nuôi các con ăn học.
Vì vậy, năm 1995 ông quyết định đầu tư vốn của gia đình cộng số tiền vay thêm từ ngân hàng để mua 3.000m2 đất đào ao nuôi cá kết hợp với nuôi vịt đẻ, trâu bò, lợn nái. Nhờ chịu khó chăm sóc, chăn nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên ngay từ những năm đầu tiên gia đình ông đã thu được lợi nhuận đáng kể để tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Đến nay, gia đình ông có 2 ao nuôi cá thương phẩm với tổng diện tích 1.500m2, mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, thu lãi khoảng 60 triệu đồng, đồng thời chăn nuôi 8.000 con vịt đẻ. Đặc biệt, năm 2014 sau khi tham gia lớp tập huấn chăn nuôi ấp trứng gia cầm, ông đã mạnh dạn đầu tư mua máy ấp trứng vịt lộn, cung cấp con giống cho người dân trong và ngoài xã. Mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng từ ao cá, chăn nuôi vịt đẻ, bán trứng, con giống cho người dân.
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn song bằng bản lĩnh, ý chí quyết tâm của người lính đã từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất Điện Biên anh hùng. Theo số liệu thống kê của Hội Cựu chiến binh tỉnh, toàn tỉnh hiện có 42 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, 595 trang trại, gia trại do cựu chiến binh làm chủ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn cựu chiến binh và con em họ.
Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hội viên nghèo của Hội từ 24% vào năm 2012 xuống còn 18,5% vào cuối năm 2017. Kế thừa và phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” kiên cường, bất khuất, không khuất phục trước mọi khó khăn, thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những mô hình kinh tế do cựu chiến binh làm chủ phát huy hiệu quả, góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, xứng đáng cho con cháu học tập làm theo.
CTV - Đức Linh