3 đề xuất về thuế không nên thực hiện trong vài năm tới để khoan sức dân
Trong vài năm tới, chưa nên thu thuế tài sản, không nên tăng thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…
Đây là những đề xuất của các học giả, các chuyên gia kinh tế khi thảo luận về tình hình ngân sách nhà nước và dự thảo sửa đổi bổ sung 6 loại thuế do Bộ Tài chính đưa ra.
Trước bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao như hiện nay, đặc biệt là tài khóa ngày càng trở nên thiếu bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế mới, trong hơn một năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo hướng tăng mức thuế của nhiều sắc thuế.
Đó là, tăng thuế bảo vệ môi trường với các sản phẩm xăng dầu lên mức kịch trần với lý do cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, bù đắp nguồn thu giảm do hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bộ Tài chính đề xuất tăng 1 loạt thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách (Ảnh minh họa: KT) |
Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% và giảm bớt số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5% với lý do là mức thuế VAT của Việt Nam hiện nay chưa theo kịp thông lệ quốc tế, cần cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Bộ Tài chính cũng dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt với một số hàng hóa như nước ngọt với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây nhất là đề xuất đánh thuế tài sản, theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng, với mức thuế suất 0,3-0,4% trên giá trị của căn nhà.
Những đề xuất sửa đổi các mức thuế trên của Bộ Tài chính đã và đang vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, bởi các loại thuế trên được cho là ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết đại bộ phận người dân (đặc biệt là những người nghèo và có thu nhập thấp), cũng như các doanh nghiệp (DN) và theo đó là đến cả nền kinh tế.
Khoan sức dân để bền gốc
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, thuế là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế xã hội; có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, mỗi khi sửa đổi một sắc thuế cần thận trọng và có bước đi, lộ trình cụ thể, đặc biệt, đối với những loại thuế có tác động rộng tới mọi đối tượng.
“Mức thuế, phí hiện nay của chúng ta so với thu nhập đã là rất cao, theo Ngân hàng Thế giới, thuế, phí của Việt Nam chiếm 32%/GDP, trong khi đó khuyến cáo chỉ nên từ 18-20%/GDP. Nếu thu nữa bằng biện pháp tăng thuế thì sẽ gây khó khăn rất lớn cho người dân và DN, tác động không tốt tới sản xuất. Đặc biệt, khi DN gặp khó khăn do thuế tăng lên thì không thể cạnh tranh, thua trên sân nhà, phá sản, không tạo ra công ăn việc làm, không nộp thuế cho ngân sách được nữa”, PGS. Ngô Trí Long khuyến cáo.
PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính |
Phân tích cụ thể về thuế VAT, ông Long cho rằng, đây là thuế tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Tuy nhiên, thuế VAT có tính “lũy thoái”, bởi vì, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy, khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
“Trong một nền kinh tế khó khăn, chúng ta cần khoan thư sức dân để làm kế bền gốc, đó là thượng sách tạo động lực cho sự phát triển bền vững, chúng ta không nên chọn phương án khiến người dân phải thêm căng mình đóng thuế”, PGS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Trong bối cảnh nợ công tăng cao, bội chi ngân sách đang là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế nước nhà, tăng trưởng dưới tiềm năng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp so với thế giới... Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một bài toán khó đối với Bộ Tài chính. Để tái cơ cấu ngân sách, tìm giải pháp cân đối ngân sách, cách dễ nhất là tăng thuế. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng với việc tăng thuế và nên thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW về tái cơ cấu ngân sách và giảm chi, tiết kiệm, không phải chỉ tăng thuế. Bởi tăng thuế sẽ đánh vào các mặt hàng thiết yếu, đánh vào người nghèo. Điều này không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng.
“Để tái cơ cấu nguồn thu, nếu chỉ dùng biện pháp tăng thu bằng cách tăng thuế thì rất khó lòng được công chúng chấp nhận. Do vậy, cần phải đưa ra các giải pháp kiểm soát chi, tiết kiệm chi, chống nợ đọng thuế, chống thất thu thuế,... Cùng với nó là những giải pháp về chi tiêu ngân sách, chống tham nhũng, lãng phí thất thoát, đầu tư công có hiệu quả...”, PGS Ngô Trí Long khuyến cáo.
Bên cạnh đó, TS Phan Hữu Nghị, Trưởng Bộ môn Tài chính công, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, để cơ cấu lại ngân sách, cần rà soát và đánh giá định kỳ công tác quản lý chi; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giảm bộ máy, vì tiền lương công chức viên chức là khoản chi chiếm tỷ trọng rất lớn trong ngân sách nhà nước (NSNN).
“Cần xem lại chi đầu tư công và khai thác tiềm lực tài chính từ tài sản công, vì giá trị tài sản công hiện tại có giá trị rất lớn gấp hơn 2 lần GDP của nước ta và hàng năm cần khoản chi thường xuyên có tính chất đầu tư nhằm duy tu sửa chữa bảo dưỡng khá lớn. Kết hợp với đó là việc quản lý vốn, tài sản thật hiệu quả tại các doanh nghiệp nhà nước. Nếu khai thác tốt nguồn tài sản công này sẽ là nguồn thu thường xuyên và lâu dài của NSNN”, TS Phan Hữu Nghị nhận định./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN