Tiết kiệm và minh bạch chi ngân sách ích hơn thu thuế tài sản của dân

Thứ Năm, 19/04/2018, 14:44 [GMT+7]

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thu thuế tài sản không hợp lý và minh bạch, người dân sẽ bức xúc, thậm chí sẽ gây mất niềm tin.
 
Đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất và nhà có giá trị trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính mới đưa ra đã nhận được nhiều quan điểm trái chiều từ phía các chuyên gia và người dân.

Thuế tài sản phải nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Trái ngược với nhiều quan điểm phản đối thuế tài sản, TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công, Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng, nếu đánh thuế tài sản, người giàu hơn sẽ phải trả thuế nhiều hơn khi họ sở hữu nhiều tài sản, nhà sang, đất rộng hơn…
 

1
Thuế tài sản phải hợp lý và minh bạch (Ảnh minh họa: KT)


Tuy nhiên, TS Du cho rằng, Việt Nam nên làm theo thông lệ của nhiều nước, nên coi thuế này là sắc thuế địa phương, tức là thu được thì phải được dùng ở địa phương. Ví dụ như quận A thu 100 tỷ đồng thì cần phải phân phối lại cho họ để họ cải thiện chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác ở quận đó… Thu được bao nhiêu thì có thể dùng hết số tiền đó để phục vụ khu vực mình.

“Về nguyên tắc thuế khoá, chúng ta phải chi tiêu theo nguyên tắc "đồng nào mua mắm, đồng nào mua dưa". Làm vậy để tránh tình trạng lạm thu và chi không đúng mục đích”, TS Huỳnh Thế Du khẳng định.

Minh bạch trong chi tiêu ngân sách

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, về nguyên lý đánh thuế tài sản của phương tây, thuế tài sản là để kích thích việc sử dụng tài sản đó hiệu quả hơn. Ví dụ, đánh thuế đất dư thừa trong khuôn viên nhà ở để tránh tình trạng một gia đình sử dụng quá nhiều đất mà lẽ ra đất đó có thể được sử dụng hiệu quả hơn. Hoặc có quốc gia đánh thuế chênh lệch giá tài sản, như anh mua một căn hộ đầu cơ, khi mua thì giá 1 tỷ đồng nhưng khi bán được 1,5 tỷ đồng. Khi đó, Chính phủ có thể đánh thuế một số % trên mức chênh lệch giá. Còn về việc đánh thuế mà Bộ Tài chính đề xuất là đánh thuế nhà đang ở của dân, đây là việc cần cân nhắc thận trọng.

“Tiền mua nhà đó là khoản tiết kiệm bao lâu người dân mới mua được thì tại sao lại đánh thuế?”, TS Nghĩa đặt câu hỏi.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tỷ lệ tiết kiệm/GDP của Việt Nam giảm khá nhanh và quá thấp so với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc nên bất cứ việc mở rộng ngân sách nào sẽ gắn với nó một thứ là nợ, đó là điều nguy hiểm. Do đó, hướng quan trọng nhất là cần tiết kiệm chi tiêu ngân sách.

“Phải thu hẹp dần quy mô ngân sách, kể cả thu và chi. Ngoài ra, Bộ Tài chính nên tập trung thu hồi toàn bộ các dự án đã đầu tư mà “nằm đắp chiếu” bao lâu nay, thu hồi toàn bộ các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả… để thu hồi vốn về và làm cho khối lượng tài sản khổng lồ này hoạt động hiệu quả hơn. Điều này có ý nghĩa hơn nhiều so với việc đánh thuế tài sản của người dân”, TS Nghĩa nhấn mạnh.
 
Đồng tình với quan điểm này, TS Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, chi tiêu ngân sách không hiệu quả đang là vấn đề rất lớn ở Việt Nam. Do đó, việc quan trọng nhất cần làm là phải minh bạch trong chi tiêu ngân sách, đảm bảo chi tiêu sao cho tiết kiệm, hiệu quả.

Để làm được điều này, cần quyết liệt tinh giản bộ máy, giảm những công chức viên chức ăn lương nhà nước kém hiệu quả, giảm số người “ăn không ngồi rồi”. Bên cạnh đó, phải cải thiện tái cơ cấu kinh tế, giảm DNNN làm ăn kém hiệu quả, những công trình hàng nghìn tỷ thua lỗ, tham nhũng tiêu cực…

“Giờ không còn cách nào khác giờ phải siết chặt chi tiêu. Nếu không chi hiệu quả mà cứ tăng thu kiểu vậy thì sẽ tăng sự bức xúc của người dân. Việc này đã nói nhiều rồi nhưng cần được làm quyết liệt hơn nữa. Nếu cứ đóng thuế rồi mang đi sử dụng “lung tung” thì lâu dần sẽ mất niềm tin của người dân”, TS Huỳnh Thế Du khẳng định./.

 

 

Theo Cẩm Tú/VOV.VN

.