Tăng thuế để bù hụt thu ngân sách: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Thứ Tư, 25/04/2018, 08:26 [GMT+7]

Theo các chuyên gia, thay vì tăng thuế, việc quan trọng cần phải làm là tập trung chống thất thu thuế, lãng phí và tham nhũng.
 
Cuối năm 2017, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất Đề xuất sửa cùng lúc 5 luật thuế (bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thu nhập cá nhân (TNCN) và Thuế Tài nguyên) để cơ cấu lại nguồn thu cho ngân sách. Trong đó, đáng chú ý nhất là tăng thuế GTGT từ 10 lên 12%; bổ sung một số mặt hàng phải áp thuế TTĐB như nước ngọt, trà, cà phê đóng lon; tăng mạnh thuế ô tô bán tải…

Cuối tháng 2/2018, Bộ này tiếp tục đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên kịch khung. Và mới đây nhất là dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, đề xuất tính thuế tài sản đối với nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng trở lên.
 

1
Tăng thuế để bù hụt thu: Lợi trước mắt, hại lâu dài (Ảnh minh họa: KT)


Hàng loạt đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính đang gây ra nhiều tranh cãi, nhất là trong điều kiện sản xuất kinh doanh còn khó khăn, thu nhập của người dân chưa được cải thiện. Mặt khác, công tác quản lý thuế được cho là hiệu quả chưa cao và chi ngân sách còn thiếu minh bạch, lãng phí.

Cứ khó khăn lại tăng thuế

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, chi thường xuyên hàng năm luôn cao cho thấy bộ máy Nhà nước cồng kềnh. Chi thường xuyên quá lớn đang là gánh nặng cho ngân sách.

Báo cáo của Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách Nhà nước quý I/2018 ước đạt 290.000 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển 35.300 tỷ đồng, chiếm 12,1% tổng chi; chi trả nợ lãi 31.400 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng chi; chi thường xuyên 222.550 tỷ đồng, chiếm 76,7 tổng chi ngân sách. Như vậy, chi thường xuyên lên đến 2/3 tổng chi ngân sách.

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, chi thường xuyên luôn ở mức cao, trong khi thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do cắt giảm hàng rào thuế quan thương mại khi Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định thương mại song phương hay đa phương. Do đó, Chính phủ buộc phải tăng thu nội địa như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thu về nhà đất… để bù đắp cho sự suy giảm tỷ trọng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu và từ dầu thô.
 
Tuy nhiên, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển cho rằng, giải pháp tăng thuế lúc đầu sẽ giúp ngân sách bớt căng thẳng nhưng về lâu dài những tác hại của nó rất khó lường. Gánh nặng thuế phí tăng cao làm tăng giá cả, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Việc tăng thuế quá dễ dàng có thể dẫn đến thói quen cứ mỗi khi ngân sách khó khăn, Bộ Tài chính lại có lý do để tăng thuế, phí. Đến lúc nào đó, Bộ Tài chính có thể mất luôn động lực giải bài toán căn cơ hơn là cơ cấu lại thu – chi ngân sách và cắt giảm mạnh chi tiêu. Như vậy, nền kinh tế và người dân phải gánh chịu thiệt thòi.

“Tại sao các bộ ngành không quyết liệt tiết kiệm chi thường xuyên? Nếu cắt giảm được chi thường xuyên hay xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, thất thoát thì có thể sẽ không cần phải tăng các loại thuế, phí khác”, GS TS Đặng Đình Đào nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho biết, thông thường các cơ quan Nhà nước không giải trình được việc thu thuế để làm gì. Ví dụ như nếu tăng thuế xăng để bảo vệ môi trường thì phải chứng minh rõ là tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường như thế nào, môi trường được cải thiện ra sao sau khi tăng thuế.

"Tất cả các yếu tố đó cần phải giải giải trình rõ ràng, công khai, minh bạch. Nếu Nhà nước chứng minh được việc tăng thuế là để phục vụ lại cho người dân, để người dân tin tưởng vào tính minh bạch trong chi ngân sách thì không vấn đề gì cả, tăng bao nhiêu người dân cũng chấp nhận đóng thuế", bà Lan nhấn mạnh.

Chính phủ phải kiểm soát nhu cầu của mình

GSTS Đặng Đình Đào khẳng định, Nhà nước cần kiểm soát nhu cầu chi của mình hơn là chỉ tập trung tìm nguồn thu. Không thể tăng thuế của dân để chi ngân sách thiếu minh bạch, lãng phí. Thời gian vừa qua, vẫn còn tình trạng sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, thất thoát hàng nghìn, gây mất lòng tin của dân.

“Nền kinh tế mới phục hồi mà đồng loạt tăng nhiều loại thuế sẽ tạo thành cú sốc” cho doanh nghiệp và người dân. Nếu thu thuế rồi lấy tiền đó quay lại phục vụ an sinh xã hội cho người dân như ở nhiều nước thì người dân họ vẫn sẵn sàng. Việc lấy thuế này để bù chỗ khác là không đúng. Thu thuế rồi nhưng vấn đề quan trọng là phải sử dụng sao cho hiệu quả, minh bạch”, GSTS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Còn theo TS Nguyễn Đức Thành, để đảm bảo cân đối thu chi, cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế.

“Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy. Hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các DNNN quyết liệt hơn nữa. Việc tăng thuế phải được cân nhắc trong điều kiện nền kinh tế của đất nước để có mức tăng cho phù hợp”, TS Thành khuyến cáo./.

 

 

Theo VOV

.