Nghị lực của chàng trai dân tộc Lào làm giàu từ mô hình nuôi cá Lăng
Điện Biên TV- Sinh năm 1992, tốt nghiệp khoa lịch sử Đảng khóa 2014-2015 Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền (Hà Nội), ra trường cầm trên tay tấm bằng cử nhân xây dựng Đảng, thế nhưng chàng trai dân tộc Lào Lò Chăn Tủi ở bản Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên lại không chọn cho mình con đường học vấn để thành đạt mà chọn con đường phát triển kinh tế để làm giàu.
Sau khi tốt nghiệp trường Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền khoa lịch sử Đảng năm 2015, trở về quê hương với mong muốn xin đi làm ở một cơ quan trên địa bàn tỉnh Điện Biên, sau một thời gian vẫn chưa xin được việc nên anh Tủi bàn bạc với bố mẹ đào 4 ao rộng khoảng 8.000m2 để nuôi cá lăng, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Giống cá lăng nuôi trong ao được anh Tủi bắt từ con sông Nậm Núa cạnh nhà và thu mua từ bà con dân bản đi đánh bắt được (đây là giống cá lăng hoàn toàn tự nhiên trong môi trường nên chất lượng giống rất tốt và khỏe mạnh, 90% ít dịch bệnh so với các loại cá nuôi trong môi trường nhân tạo).
Chàng trai Lò Chăn Tủi bên mô hình nuôi cá Lăng của mình |
Từ việc lấy giống cá nuôi bằng các thức ăn tự nhiên như: cá mương, cá trôi, ốc và hàng loạt các loại cá nhỏ được bắt và mua về từ dân bản, đặc biệt 100% không sử dụng cám công nghiệp. Chính vì điều này đàn cá lăng của anh Tủi đã trở thành thương hiệu và được rất nhiều nhà hàng có tên tuổi trên địa bàn T.P Điện Biên Phủ tin tưởng đặt mua và những món ăn được chế biến từ cá lăng đã thu hút rất nhiều vị giác của thực khách đến ăn. Thịt cá lăng có vị thơm của dòng sông Nậm Núa, khi nướng cá không chảy nhiều mỡ, các thớ thịt mùa trắng săn chắc vào nhau, ít xương dăm và có một mùi ngậy nhưng không ngấy chỉ loài cá lăng mới có.
Qua trao đổi anh Lò Chăn Tủi- bản Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên tâm sự: “Ban đầu khi quyết định nuôi cá lăng tôi gặp rất nhiều khó khăn về con giống, vì giá cả thị trường của loài cá lăng này cao gấp 3-4 lần so với những loại cá như: rô phi, trắm, mè, trôi… nên có nhiều người thu mua cạnh tranh nhau.
Sau một thời gian ổn định về giống cá, tôi lại mày mò đọc sách, báo và ra ngoài trung tâm xã Pa Thơm để lên mạng internet (vì bản Pa Thơm không có điện và sóng) tìm hiểu về khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc… để có thêm kinh nghiệm chăm sóc đàn cá lăng đạt hiệu quả kinh tế cao. Có lẽ sau những ngày tháng nhọc nhằn vất vả để nuôi đàn cá lăng, điều anh tâm đắc nhất là đàn cá của anh sinh trưởng, phát triển mạnh khỏe và không bao giờ lo mất giá. Hướng của tôi và gia đình trong vài năm tới sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng cá lăng thêm 3 ao nữa”.
Từ nhỏ vốn đã sống quen với môi trường sông suối, nên anh hiểu rất rõ về tập tính và thức ăn của loại cá lăng bản địa này, nên sau khi thu mua cá lăng về anh Tủi bắt đầu nuôi vỗ béo trong khoảng thời gian 2 tháng tầm tháng 2,3 âm lịch. Mỗi khi chuẩn bị cung ứng ra ngoài thị trường anh Tủi đều chủ động kiểm tra nguồn nước, quá trình sinh trưởng, các dấu hiệu dịch bệnh để kịp thời ngăn chặn.
Lượng thức ăn của cá lăng cũng khác rất nhiều loại cá, một ngày phải đều đặn cho cá ăn 3 lần vào sáng, chiều, tối, trong đó lượng thức ăn buổi tối chiếm khoảng từ 40-50% tổng lượng thức ăn trong ngày (buổi tối là lúc cá cần thêm nhiều chất dinh dưỡng để phát triển nhanh). Trong quá trình cho cá lăng ăn, anh Tủi thường xuyên quan sát lượng mồi thừa, thiếu trong sàn, để điều chỉnh tăng hay giảm lượng thức ăn cho phù hợp. Sau đó, đưa ra khỏi ao thức ăn còn dư để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đàn cá dưới ao.
Không chỉ có nhà hàng trên địa bàn T.P Điện Biên Phủ đặt mua mà còn có rất nhiều nhà hàng bên nước bạn Lào chủ động đánh xe tải đến tận ao gia đình anh Tủi để thu mua cá lăng. Vì thế, sản phẩm cá lăng của Tủi luôn ổn định đầu ra, bán được giá thành cao hơn.
Cá lăng bản địa được gia đình anh Lò Chăn Tủi bán ra thị trường với giá từ 120.000 – 150.000đồng/kg, có thời điểm giá cá lăng giao động từ 250-350.000đồng/kg, tính ra trừ các chi phí khác mỗi tháng cho thu hơn 20 triệu đồng, mỗi năm thu lãi gần 300 triệu đồng. Đây là một mức thu nhập lớn đối với một vùng biên nói riêng và vùng lòng chảo Điện Biên nói chung.
Chàng trai dân tộc Lào Lò Chăn Tủi ở bản Pa Thơm, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên là tấm gương cho thế hệ trẻ khi không chọn cho mình con đường học vấn để thành đạt mà chọn cho mình con đường phát triển kinh tế để làm giàu chính đáng trên quê hương của mình.
Thúy Hằng