Điện Biên

Chủ động kiểm soát, ngăn chặn và diệt trừ cây Mai dương trên địa bàn

Thứ Tư, 11/04/2018, 10:05 [GMT+7]

Điện Biên TV -  Cây Mai dương có nguồn gốc vùng nhiệt đới Trung Mỹ, đây là loài cỏ dại ngoại lai rất nguy hiểm cho thảm thực vật, hiện nay cây Mai dương đã xuất hiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Theo báo cáo của Chi cục bảo vệ thực vật, hiện nay tỉnh Điện Biên đã xuất hiện cây Mai dương mọc trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, cây mọc tại các vùng đất hoang, vùng đất trống, các khu vực ven bờ ruộng, bãi bồi, dọc theo sông Nậm Rốm và có nguy cơ xâm hại đến đất nông nghiệp.

1
Cây Mai dương có khả năng sinh trưởng, tái sinh mạnh và khó diệt trừ. ảnh KT

 

Đây là cây ngoại lai xâm hại nguy hiểm, đe dọa tới môi trường và đa dạng sinh học. Cây Mai dương có khả năng sinh trưởng, tái sinh mạnh theo cấp số nhân, khả năng phát tán mạnh và khó diệt trừ

Cây mai dương có khả năng tái sinh, lan rộng cực kỳ lớn nếu không được kiểm soát thì sau 10 năm cây có thể phát triển thành 1.024ha. Hạt rất cứng, có sức sống cao, không nhất thiết phải trải qua thời kỳ ngủ nghỉ, dễ nẩy mầm nếu gặp điều kiện thích hợp hạt sẽ nảy mầm ngay.

Cây có thể phát tán rộng bằng nhiều con đường như gió, nguồn nước, côn trùng, chim và động vật. Hạt mai dương phần lớn phân bố ở tầng đất mặt nên nguồn lây lan chủ yếu là nguồn hạt rụng tại chỗ. Hạt mai dương có thể giữ sức nẩy mầm đến 23 năm.

Cây Mai dương xếp vào danh sách 100 loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới do sức sống, sức phát triển nhanh chóng của chúng. Thân Mai dương có chứa mimosin, một loại axit amin có thể gây độc hại đối với nhiều loại động vật. Cây Mai dương sẽ cạnh tranh và dần dần tiêu diệt các loài cây khác, nhất là các loài thảo mộc, các loài thực vật phát triển ở tầm thấp. Đối với những vùng trồng lúa nước và hoa màu, loài cây này sẽ cản trở việc làm đất và chăm sóc các loại cây trồng. ở những khu vực mà loài cây này mọc dày đặc với mật độ phủ kín thì không loài cây, loài động vật nào sống được dưới tán của chúng.

Trước nguy cơ xâm hại của cây Mai dương đến môi trường, đa dạng sinh học, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã hướng dẫn biện pháp kỹ thuật diệt trừ cây Mai dương. Tại khu vực cây Mai dương xuất hiện rải rác từng đám nhỏ có thể áp dụng biện pháp thủ công, nhổ bỏ bằng tay, đào hết gốc rễ.

Đối với các cây mọc ở bờ kênh mương, ven bờ suối chặt gốc trước mùa mưa lũ, đây là thời điểm, điều kiện nóng ẩm cây Mai dương có tốc độ phát triển thân lá nhanh sau khi chặt bỏ cần được thu gom, để khô và đốt tiêu hủy.

Với cây Mai dương mọc tập trung nhiều và dày thì chủ động sử dụng biện pháp thủ công, kết hợp một cách thận trọng việc dùng hóa chất diện hẹp có kiểm soát. Việc tổ chức ngăn ngừa, phòng trừ tổng hợp sự xâm hại của cây mai dương cần được tiến hành thường xuyên, liên tục

Tăng cường công tác tuyền truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của cây Mai dương đối với môi trường và đa dạng sịnh học, nghiêm cấm thực hiện việc phát tán như làm hàng rào, hàng cây chống sói mòn, từng bước chủ động kiểm soát, ngăn chặn và dần loại trừ được loại cây ngoại lai có hại này trên địa bàn toàn tỉnh

 

 

Hương Trà/Dienbientv.vn

.