Điện Biên: Cần chủ động phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa
Thứ Tư, 18/04/2018, 17:10 [GMT+7]
Điện Biên TV - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời tiết diễn biến phức tạp trời âm u, có lúc mưa phùn, mưa nhỏ độ ẩm không khí cao, nhiệt độ dao động từ 18 - 26 độ C đây là thời điểm bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa phát triển mạnh gây ảnh hưởng đến năng suất của bà con. Trước tình hình đó bà con nhân dân cần phải chủ động phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa.
Cách nhận biết bệnh đạo ôn trên lúa (ảnh minh họa) |
Người dân cần hiểu biết về bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa
Đạo ôn cổ bông là bệnh do nấm gây ra, thường gây hại mạnh vào thời điểm lúa trỗ khi gặp điều kiện thuận lợi. Đặc biệt, khi lúa bị mắc bệnh đạo ôn cổ bông thì cổ bông lúa sẽ bị gây hại, gây cắt đứt nguồn vận chuyển dinh dưỡng nuôi bông lúa.
Tác nhân gây bệnh có thể tấn công mọi giai đoạn của cây lúa, bắt đầu từ giai đoạn mạ hoặc sau khi gieo cấy cho đến trước trổ thì gọi là bệnh đạo ôn lá (hay gọi là bệnh cháy lá). Bệnh có thể gây hại trên cổ lá (thối cổ lá) hoặc gây hại trên cổ bông (thối cổ bông) làm lép hạt lúa. Nếu không phòng ngừa kịp thời sẽ làm mất năng suất của người dân.
Triệu chứng nhận biết: Các vị trí khác nhau của bông lúa đều có thể bị bệnh với triệu chứng, các vết màu nâu xám hơi teo thắt lại. Nếu ẩm độ không khí cao, chỗ vết bệnh sẽ mọc một lớp nấm mốc màu xám xanh, làm bông lúa, gié lúa dễ bị gẫy xuống dẫn đến hạt lúa bị lép, lửng, nếu nặng thành dịch dẫn đến mất mùa.
Sự phát tán nguy hiểm của bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa: Một vết bệnh đạo ôn đặc trưng trong một đêm gặp điều kiện thuận lợi có thể sản sinh ra 4 - 5 nghìn bào tử nấm và có thể kéo dài từ 10 đến 15 ngày, bào tử nấm phát tán nhờ gió, nhờ ẩm độ (giọt sương) xâm hại vào phiến lá, cổ bông, gié bông lúa và cứ sau 4 đến 5 ngày lại xuất hiện vết mới, chính vì vậy bệnh đạo ôn có khả năng phát triển theo cấp số nhân chuyển thành dịch gây mất mùa trên diện rộng.
Cách trị bệnh khi phát hiện bệnh đạo ôn cổ bông hại lúa: Đối với bệnh đạo ôn lá giai đoạn trước trỏ bông khi phát hiện ổ bệnh trên đồng ruộng cần phun trừ kịp thời bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu trừ bệnh đạo ôn có uy tín cao nhiều năm trên thị trường như: FILIA-525EC; Kabim 30WP; Fujione 40EC; New Hynosan 30EC; Triozole 20WP; Beam 20WP;; TP-Zep 18EG, …
Phun 1-2 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày tuỳ mức độ nặng của bệnh và tuỳ từng loại thuốc sử dụng. Trong vụ lúa Chiêm Xuân nếu lúa trổ bông sớm (20/4 đến 30/4), gặp rét muộn trời mát, âm u mưa phùn, mưa rào hoặc các ruộng đã bị bệnh đạo ôn lá giai đoạn trước (tuy đã khỏi bệnh) cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi trỗ 3-5 ngày bằng một trong các loại thuốc trên.
Liều lượng, nồng độ nếu phun phòng khi bệnh chưa xuất hiện hoặc thuốc phun lần đầu dùng theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất. Với những ruộng có bệnh đạo ôn đã xuất hiện những vết bệnh điển hình trên lá cần tăng nồng độ thuốc lên 1,2-1,5lần.
Hàng năm ở mỗi ruộng lúa, thuốc trừ bệnh đạo ôn cần phải luân phiên thay thế để tránh hiện tượng nhờn thuốc của nấm bệnh. Dùng bình bơm có "béc" tia nhỏ để phun; cho thêm chất bám dính khi phun các loại thuốc trừ sâu, bệnh làm tăng khả năng bám dính của dung dịch thuốc lên lá cây, tăng hiệu quả của thuốc lên 15-20%.
Cần chủ động phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa
Bệnh đạo ôn trên lúa Đông xuân có thể lây lan rất nhanh (ảnh khai thác) |
Hiện toàn tỉnh gieo cấy 9.329,6 ha, trong đó giống thuần chất lượng cao mẫn cảm với sinh vật gây hại (SVGH) chiếm hơn 60%. Do thời diễn biến phức tạp trời âm u, có lúc mưa phùn, mưa nhỏ độ ẩm không khí cao, nhiệt độ dao động từ 18 - 26 độ C đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa phát sinh gây ảnh hưởng đến 1.400 ha lúa của người dân trên địa bàn đặc biệt là ở huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ.
Trước tình hình bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa đang có diễn biến phức tạp có thể gây thiệt hại lớn đến năng suất bà con thì UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật tăng cường giám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình thời tiết, cảnh báo sớm nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa. Hướng dẫn cho người dân tự kiếm tra và chủ động thực hiện các biện pháp chống kịp thời....
Hy vọng với sự chủ động, tích cực vào cuộc cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn và người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên tình hình dịch bệnh gây hại sẽ sớm được khống chế, đảm bảo cho cây lúa phát triển tốt, nâng cao năng suất cho người dân./.
Tử Long