Đánh thuế nhà, đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản

Chủ Nhật, 22/04/2018, 08:34 [GMT+7]

Việc đánh thuế nhà, đất cần có phương án hợp lý, không ảnh hưởng đến người dân nghèo và kìm hãm phát triển đô thị.
 
Thay đổi quan niệm về sở hữu tài sản

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng: Gần 200 nước trên thế giới đang thực hiện đánh thuế tài sản còn rất ít nước, trong đó có Việt Nam, là chưa áp dụng sắc thuế này. Nhưng với Dự thảo dự án Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính mới đưa ra thì cần cân nhắc kỹ, nhất là cách tính thuế, thời gian thực hiện vì sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Hiện nay, quan niệm về sở hữu tài sản của người Việt Nam quá cao và nặng nề. Nếu sắc thuế này ra đời sẽ đưa thị trường bất động sản sang một ngã rẽ mới rất quan trọng, nhưng ngã rẽ này có lợi cho nền kinh tế trong lâu dài. Các chủ đầu tư bất động sản sẽ nắm giữ tài sản cho thuê, tư duy sở hữu tài sản không còn nặng nề vì việc đi thuê nhà ở sẽ kinh tế hơn so với việc sở hữu nhà. Ở các nước thì có đến 40-50% người thuê nhà ở, sự phát triển của phân khúc nhà ở cho thuê cũng rất tốt.
 

1
Thuế nhà, đất ở  sẽ tạo “ngã rẽ” mới cho thị trường bất động sản.


Sắc thuế tài sản là quan trọng do đó cần phải làm có lộ trình và phải cân nhắc kỹ. Theo Luật Nhà ở, mục tiêu diện tích nhà ở là đạt 25 m2/người nên mức thuế đưa ra 700 triệu đồng thì chưa phù hợp, vì một gia đình bình thường 4 người theo diện tích trung bình là 100 m2. Như vậy, nếu đánh thuế nhà trên mức 100 m2 thì đúng. Vấn đề cần xem xét là đánh thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân có thu nhập bình thường.

“Thuế tài sản là phải chú ý đến 3 điểm: mức đánh thuế, lộ trình và thời gian thực thi như thế nào cho phù hợp” - ông Nguyễn Thế Điệp nói.

Không tính toán kỹ sẽ kìm hãm sự phát triển của đô thị

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính về dự án Luật Thuế tài sản là điều bắt buộc phải làm trong bối cảnh nguồn thu ngân sách ngày càng thu hẹp khi tham gia thương mại tự do. Tuy nhiên, thuế tài sản cần được tính theo diện tích sử dụng nhà ở trên đầu người với ý nghĩa là sắc thuế đánh vào việc sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng của cư dân trong khu đô thị.

Không nên đánh thuế theo giá trị nhà ở với ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng như đề xuất của Bộ Tài chính hiện nay. Vì điều này dẫn đến hệ quả là kìm hãm đầu tư về nhà ở. Các chủ đầu tư bất động sản đồng loạt xây dựng nhà giá rẻ, những thành phố hiện đại sẽ không còn là mục tiêu để thực hiện.

Mặt khác, thuế tài sản sẽ có tác động tích cực trong việc điều chỉnh lại dân cư. Khi đó, người dân sẽ không ở trung tâm đô thị nữa mà ra các khu vực ngoại ô bởi ở trung tâm đô thị thuế nhà đất sẽ rất cao, kể cả theo giá của Nhà nước.

Còn về việc phát triển phân khúc nhà ở cho thuê, GS Đặng Hùng Võ phân tích: Trong việc phát triển thị trường nhà ở cho thuê, điểm mấu chốt là nguồn vốn lớn và đầu tư trong thời gian dài, rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam có đủ tiềm lực thực hiện những dự án nhà ở cho thuê. Nếu loại hình kinh doanh nhà ở cho thuê này cũng bị đánh thuế thì sẽ không có chủ đầu tư thực hiện dự án vì bản chất sẽ là “thuế chồng thuế” gồm cả thuế kinh doanh và thuế nhà ở. Giá thành nhà cho thuê sẽ đắt nên không hiệu quả kinh tế trong đầu tư.

“Cần có phương án thu thuế tài sản đầy đủ và toàn diện có tính khả thi cao, mang lại hiệu quả phát triển. Trong đó, nên chỉ thực hiện thu thuế tài sản ở các địa bàn phát triển, tránh những ảnh hưởng đến người thu nhập thấp, khu vực miền núi và nông thôn” – GS Đặng Hùng Võ nói./.

Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo dự án Luật Thuế tài sản, trong đó đề xuất với mọi chủ sở hữu nhà, gồm cả chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh… có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên áp thuế suất là 0,4% cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng. Theo tính toán, với mức thuế suất 0,4%, ngân sách thu về 31.000 tỉ đồng/năm.

 

 

Theo VOV

.