Vụ đánh bạc nghìn tỷ: Lỗ hổng quản lý thẻ cào di động các nhà mạng

Thứ Năm, 22/03/2018, 08:02 [GMT+7]

Việc hưởng lợi hơn 1.400 tỷ từ thẻ cào của Viettel, Mobifone, Vinaphone trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ cho thấy lỗ hổng lớn về quản lý.
 
Qua điều tra bước đầu, cơ quan điều tra, Bộ Công an xác định đường dây đánh bạc nghìn tỉ do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu, tới 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán nhờ nạp tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game, qua đó các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) được hưởng 15,5 - 16,3%, tương đương hơn 1.400 tỷ đồng.
 

1
97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán nhờ nạp tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game. (Ảnh: kt).


Vậy kẽ hở nào để đường dây đánh bạc Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương hoạt động công khai, với quy mô lớn hàng nghìn tỷ trong suốt thời gian dài từ năm 1995 đến nay, bằng công cụ thanh toán của ngành thông tin và truyền thông là thẻ thanh toán đi động (thẻ cào di động)?

Chưa có chế tài quản lý dòng tiền từ thẻ cào di động

Theo chuyên gia về viễn thông, hiện nay tồn tại một lỗ hổng lớn trong quản lý thanh toán thẻ cào.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 3, Thông tư 14/2012/TT-BTTTT quy định, "thẻ thanh toán thông tin di động là thẻ được nạp sẵn tiền dùng để thanh toán giá cước khi sử dụng dịch vụ thông tin di động. Mệnh giá thẻ thanh toán bằng số tiền có sẵn trong thẻ."

Đồng thời, tại khoản 1, Điều 10, Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật viễn thông, thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông (hay thẻ thanh toán thông tin di động và thường gọi là thẻ cào) được coi là thẻ hàng hóa viễn thông chuyên dùng và gắn liền với việc cung cấp dịch vụ viễn thông chuyên dùng được doanh nghiệp viễn thông phát hành.

Quy định này chỉ rõ thẻ thanh toán thông tin di động là phương tiện tài chính (một dạng tiền kỹ thuật số) sử dụng trong dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, đơn vị chủ quản là Bộ Thông tin và Truyền thông đến nay chưa có bất cứ văn bản nào kiểm soát sự lưu thông của loại phương tiện tài chính này (từ lúc phát hành thẻ cho đến khi tiêu dùng cuối cùng).

Tại khoản 4, Điều 3, Thông tư số 05/2012/TT-BTTTT về phân loại dịch vụ viễn thông, "Dịch vụ viễn thông cộng thêm là dịch vụ tăng thêm tính năng, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, là một phần không tách rời và được cung cấp cùng với các dịch vụ viễn thông cơ bản và giá trị gia tăng."

Game trực tuyến là dịch vụ gia tăng thêm tính năng, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, nên được các nhà mạng coi là dịch vụ cộng thêm, là một trong những dịch vụ viễn thông. Như vậy, việc dùng thẻ thanh toán thông tin di động (thẻ cào) để thanh toán cho dịch vụ viễn thông cộng thêm có thể coi là phù hợp với quy định pháp luật.

Tịch thu xung công quỹ tiền thu lợi từ thẻ cào?

Trả lời câu hỏi của phóng viên VOV.VN về quan điểm của VNPT như thế nào khi cơ quan điều tra cho rằng các nhà mạng được hưởng lợi không nhỏ từ đường dây đánh bạc nghìn tỷ nêu trên, ông Nguyễn Lê Kỳ, Trưởng ban Pháp chế Thanh tra của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, "VNPT đang phối hợp cung cấp thông tin để phục vụ công tác điều tra. Khi có kết luận điều tra chính thức của cơ quan pháp luật, lỗi đến đâu, nhà mạng, cấp quản lý hay do các cá nhân đều sẽ phải chịu trách nhiệm đúng theo quy định của pháp luật."

Theo Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên (đoàn Luật sư Hà Nội), Bộ luật hình sự Việt Nam nghiêm cấm hành vi đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào, đối với vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc có sử dụng công nghệ cao do Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu thì hiện nay Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra, giải quyết theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật TTHS.
 

1
Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên.


"Cũng theo quy định của pháp luật hình sự đối với tiền, tài sản do các đối tượng phạm tội sử dụng để đánh bạc thì sẽ tịch thu xung công quỹ Nhà nước. Bất kỳ cá nhân, tổ chức hưởng lợi trực tiếp từ số tiền mà các đối tượng đã sử dụng để thực hiện hành vi đánh bạc thì phải có trách nhiệm giao nộp số tiền có liên quan cho cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định pháp luật", Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nêu rõ.

Hiện, vụ án đang trong giai đoạn điều tra, vì thế để chính xác thông tin các cá nhân, tổ chức có liên quan, liên đới trong vụ án này cần phải chờ kết luận điều tra từ Cơ quan điều tra.

"Tuy nhiên, nếu bất kỳ cá nhân, tổ chức nào biết rõ các đối tượng sử dụng tiền để đánh bạc mà vì lợi nhuận vẫn tiếp tay, tạo điều kiện, giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc thì có thể bị xử lý trách nhiệm ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào vai trò, mức độ tham gia", Luật sư Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có thể kiểm tra các hợp đồng cung cấp dịch vụ của nhà mạng, để xác định các đơn vị hợp tác về dịch vụ hỗ trợ thanh toán game hoặc cung cấp trò chơi điện tử (game) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép hay không (các game online đánh bài trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ không được cấp phép). Từ đó, có thể xác định rõ vai trò, trách nhiệm, quy mô từng nhà mạng cung cấp thẻ cào thanh toán cho đường dây đánh bạc online này.

Cần khẩn trưởng kiểm soát dòng tiền

Cơ quan điều tra cũng cho rằng các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến, nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, khiến các doanh nghiệp trung gian thanh toán như VNPT EPay, Ngân Lượng, Home Direct, Giải trí số dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club để con bạc tham gia đánh bạc trong thời gian dài.
 

1
Chưa có chế tài quản lý cổng trung gian thanh toán dịch vụ game online. (Ảnh: KT).


Thế nhưng, theo quy định tại Thông tư 49/VBHN-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán và Nghị định 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, điều kiện cần và đủ của các loại hình trung gian thanh toán là hệ thống dịch vụ phải kết nối với hệ thống tài khoản ngân hàng.

Tuy nhiên, dịch vụ thanh toán Game (cổng trung gian thanh toán hay ví điện tử...) lại không ký hợp đồng ba bên giữa ngân hàng - đơn vị hỗ trợ thanh toán - nhà mạng. Người dùng chỉ cần thanh toán bằng thẻ cào di động, không thanh toán bằng tài khoản ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước không coi đây là trung gian thanh toán để quản lý.

Với sự phát triển công nghệ, thông tin gửi/nhận qua mạng di động rất đa dạng, phong phú, việc sử dụng thẻ cào viễn thông làm kênh thanh toán trung gian trong một số hoạt động như trò chơi (game online), nội dung multimelia (nghe nhạc, video...), thương mại điện tử (mua bán sản phẩm, dịch vụ qua web...) là nhu cầu tự phát của thị trường.

Trong khi khung pháp lý hiện nay chưa theo kịp thực tế, nếu các cơ quan quản lý như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước không khẩn trương có biện pháp siết chặt các hoạt động thanh toán, phát hành, đảm bảo kiểm soát dòng tiền lưu thông từ lúc phát hành đến khâu tiêu dùng thẻ cào, những hoạt động phi pháp như đánh bạc, rửa tiền với con số hàng nghìn tỷ như đường dây đánh bạc nghìn tỷ này sẽ chưa thể dừng lại./.

 

 

Theo Vân Anh/VOV.VN

.