Hiệp định CPTPP trị giá 10.000 tỷ USD chính thức được ký kết
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được đại diện 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam ký kết.
Bộ trưởng 11 quốc gia thành viên của Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã chính thức ký kết hiệp định tại thủ đô Santiago của Chile vào cuối ngày 8/3. Đây là một trong những Hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phỏng vấn Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada François-Philippe Champagne. |
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký bởi Bộ trưởng của 11 nước thành viên bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Văn bản được ký với 3 thứ tiếng là tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Thay mặt các Bộ trưởng của 11 nước thành viên, Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Toshimitsu Motegi giới thiệu Tuyên bố chung của sự kiện: “Bộ trưởng của 11 nước ngày hôm nay đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Các Bộ trưởng nhất trí rằng thông qua việc đạt được thỏa thuận tiêu chuẩn cao nhất với các lợi ích được cân bằng, Hiệp định sẽ củng cố mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như tạo các cơ hội đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng, các hộ gia đình, và người lao động. Hiệp định khẳng định cam kết chung của chúng ta hướng tới xây dựng một hệ thống thương mại hiệu quả và minh bạch, đồng thời cởi mở đối với tất cả các nền kinh tế muốn tham gia. Việc ký kết Hiệp định nhằm hướng tới giai đoạn tiếp theo. Các Bộ trưởng thể hiện quyết tâm hoàn tất các tiến trình cần thiết để Hiệp định sớm có hiệu lực. Các Bộ trưởng hoan nghênh sự quan tâm của một số các nền kinh tế khác muốn tham gia Hiệp định. Các Bộ trưởng nhất trí rằng các quan chức cấp cao sẽ triển khai các bước chuẩn bị cần thiết để thực thi Hiệp định một cách thuận lợi”.
Quang cảnh lễ ký CPTPP. |
Đại diện cho Việt Nam ký kết Hiệp định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Cũng giống như khi chúng ta đã rất tập trung và nỗ lực cho những mục đích rất rõ ràng và đạt được kết quả cuối cùng, đúng theo kế hoạch và mong muốn. Tâm trạng của tôi lúc này cảm thấy rất vui và hài lòng. Còn rất nhiều việc phía trước, nhưng đến lúc này có thể nói rất hài lòng về kết quả của cả một chặng đường liên tục của nỗ lực không ngừng của chúng ta cũng như của các nước đối tác trong CPTPP”.
Bộ trưởng Tuấn Anh ký CPTPP. |
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong quá trình đàm phán CPTPP kéo dài và khó khăn đã được nhiều nước thành viên đánh giá cao. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada François-Philippe Champagne chia sẻ: “Việt Nam là một phần quan trọng trong quá trình đàm phán CPTPP. Tôi thực sự phải khen ngợi sự lãnh đạo của ngài Bộ trưởng và của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Việt Nam luôn bên cạnh chúng tôi để đảm bảo rằng chúng ta muốn một Hiệp định với tham vọng mang lại lợi ích cho người dân. Canada muốn củng cố mối quan hệ quan trọng với Việt Nam. Tôi luôn nói rằng Canada là người bạn tốt nhất của Việt Nam và theo Hiệp định này, hai nước chúng ta có thể tăng cường thương mại và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai nước có thể làm được nhiều hơn nữa. Ngày hôm nay là một ngày quan trọng đối với cả Việt Nam và Canada”.
Các Bộ trưởng chụp ảnh chung cùng Tổng thống Chile Michelle Bachelet. |
Ngay sau lễ ký chính thức, Bộ trưởng 11 nước thành viên đã tổ chức họp báo chung để trả lời các câu hỏi liên quan tới việc thực thi Hiệp định của từng nước ngay khi văn bản có hiệu lực cũng như các vấn đề liên quan.
Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD. Dù không có quy mô bằng Hiệp định TPP cũ, nhưng Hiệp định này cũng giúp nhiều nước tiếp cận được với các thị trường thương mại tự do mới.
Các nước thành viên hy vọng Hiệp định này sẽ giúp định hình tương lai kinh doanh tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương trong nhiều năm tới dù không có sự tham gia của Mỹ.
Sau khi các nước hoàn thành thủ tục cần thiết trong nước và cần ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn thì 60 ngày sau, hiệp định sẽ có hiệu lực, dự kiến vào năm 2019, tạo ra một Hiệp định thương mại tự do đa phương có phạm vi rộng chưa từng có, bao phủ toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Kể từ ngày CPTPP có hiệu lực, bất kỳ một quốc gia hoặc lãnh thổ riêng biệt nào đều có thể gia nhập vào Hiệp định này, theo các điều khoản và điều kiện được thống nhất giữa các Bên của Hiệp định với quốc gia hoặc lãnh thổ riêng biệt đó./.
Theo VOV.VN