"Giải cứu" củ cải: Loay hoay, bế tắc với điệp khúc "được mùa mất giá"
Quy hoạch vùng cây chuyên canh, lựa chọn thời vụ, hợp tác tiêu thụ chưa chặt chẽ, thiếu công nghệ chế biến khiến nông sản nhiều năm ế ẩm.
Sau hoa Đào, hoa Ly giá rẻ bị người dân vứt bỏ không thương tiếc dịp Tết Nguyên đán, những ngày qua, người dân tại Mê Linh (Hà Nội), Tứ Kỳ (Hải Dương) lại lâm vào tình cảnh củ cải, su hào ế thừa giá rẻ phải nhổ bỏ. Hàng trăm tấn củ cải, su hào không tiêu thụ được một lần nữa lại phải được cộng đồng “giải cứu” khẩn cấp.
Theo người dân ở xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội - vùng trồng củ cải là cây chủ đạo, những năm trước không có việc củ cải ế thừa giá rẻ. Nhiều đầu mối thu mua củ cải tươi để đóng gói vận chuyển vào miền Nam, miền Trung… cũng có doanh nghiệp thu mua về để sấy khô. Tuy nhiên, năm nay không được thu mua như trước, dẫn đến củ cải ế thừa lượng lớn, giá bán giảm nhanh chóng, từ giá 4.500 – 5.000 đồng/kg nay chỉ còn 1.000 đồng/kg.
Củ cải được nhiều nhóm tình nguyện tổ chức tiêu thụ tại Hà Nội. |
Giá củ cải tại vùng sản xuất giảm sâu là thế, nhưng qua khảo sát tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh khu vực Hà Nội, ngoài các loại rau xanh khác thì củ cải chỉ được bán với số lượng rất ít. Giá bán củ cải tại chợ dân sinh trung bình vào khoảng 6.000 đồng/kg.
Bà Hoàng Thị Oanh, một người dân ở phố Huế đi chợ Hôm (Hà Nội) cho biết, củ cải bây giờ có trọng lượng lớn, ăn lại không ngon như củ cải nhỏ ngày trước nên không hấp dẫn người nội trợ. Nói đến việc mua hỗ trợ người trồng củ cải, bà Oanh cho rằng, rất muốn ủng hộ nông dân nhưng mua về cũng không để làm gì nên không mua.
Bế tắc giải pháp
Câu chuyện nông sản “được mùa mất giá” không còn mới. Nhưng cách nào giải quyết bài toán này thì vẫn bế tắc. Khi nói về hiện tượng ế thừa nông sản tại một số địa phương những ngày qua, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vẫn khẳng định rằng việc ế thừa nông sản là có nhưng chỉ xảy ra cục bộ ở một số thời điểm.
Theo phân tích của ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), có 3 lý do khiến giá nông sản giảm mạnh. Thứ nhất, theo quy luật hàng năm, cuối vụ Đông, đầu vụ Xuân, khi bắt đầu cấy lúa thì người nông dân phải dọn vườn nên giá nông sản có đi xuống. Có năm cà chua đến vụ thu hoạch bà con còn bỏ không hoặc su hào, bắp cải cũng có hiện tượng chặt vứt trên ruộng để làm phân xanh.
Lý do thứ hai, theo ông Sơn, thường sau vụ Đông, nông dân tranh thủ trồng rau vụ xuân với kỳ vọng giá cao, do đó thường trồng từ tháng 1 nhưng năm nay bà con lại trồng từ tháng 12 dẫn đến tình trạng dồn ứ về sản lượng.
Ngoài ra, năm nay do thời tiết thuận lợi, nửa cuối tháng 2 và tháng 3 thời tiết ấm cho nên một số rau vụ hè như rau rền, rau muống, mùng tơi phát triển rất nhanh, đến đầu tháng 3 đã có sản phẩm trên thị trường nên việc tiêu thụ rau vụ Đông giảm đáng kể.
“Tuy nhiên, diện tích tồn không lớn, và chúng ta có thể khẳng định sẽ không ế thừa nghiêm trọng đến mức phải chặt bỏ. Hiện tượng nhổ bỏ chỉ một phần nhỏ do một số hộ chưa có hợp đồng bao tiêu, hoặc một số đối tác chưa hoạt động trở lại sau Tết, dẫn đến tình trạng người nông dân lo củ cải bị già, hoặc để lâu cũng bị chất lượng kém giá thấp nên mới dẫn đến tình trạng đó”, ông Sơn nói rõ.
Cụ thể tại xã Tráng Việt, Mê Linh, ông Sơn cho biết, vùng sản xuất có trên 90 ha chuyên trồng củ cải, mỗi năm trồng được khoảng 5 lứa trong vòng 8 tháng thời tiết thuận lợi, năng suất khoảng 80 tấn.
“Đầu vụ Đông, bà con đã bán được với giá khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg. Như vậy, với 80 tấn củ cải có thể cho 500 triệu đồng/lứa thu hoạch. Mỗi năm, nông dân ở Tráng Việt trồng 5 lứa củ cải, nếu nhà nào thắng liên tục có thể cho thu nhập lên tới hàng tỷ đồng”, ông Sơn cho hay.
Phân tích điều này tương tự với vùng trồng su hào ở Hải Dương, ông Sơn cho rằng, vùng su hào của Hải Dương hiện nay còn khoảng 11 ha rơi đúng vào đợt thu hoạch ghép cuối vụ Đông và một số rau nhiệt đới vụ Xuân, khi rau mùng tơi, rau muống đã xuất hiện.
“Khi người nông dân bán chậm nên cứ chần chừ đã khiến su hào bị già không bán được. Những diện tích su hào non nông dân trồng sau hiện nay vẫn được chăm sóc tốt, những ngày nay giá đã tăng trở lại từ 1.000-1.200 đồng/củ. Phạm vi ảnh hưởng của lượng su hào là không lớn, diện tích bị rủi ro không lớn”, ông Sơn nhận định.
Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng thừa nhận, tình trạng nông sản ế thừa, bài toán tiêu thụ nông sản của ta lâu nay vẫn loay hoay vì chúng ta rất yếu về công nghệ chế biến sau thu hoạch. Ông Sơn cho biết, hiện nay tỷ lệ chế biến của Việt Nam đạt rất thấp, đơn cử trong lĩnh vực cây ăn quả có tỷ lệ chế biến cao hơn, nhưng công suất hiện nay chỉ có 800.000 tấn so với tổng sản lượng là 22 triệu tấn, như vậy chỉ chiếm khoảng 4%./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN