Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phòng chống cháy vườn cây cao su
Điện Biên TV - Thời điểm những tháng đầu năm 2018 cho đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra nắng nóng, hanh khô kéo dài kèm theo gió Lào thổi mạnh, kết hợp với việc người dân tập trung đốt nương chuẩn bị mùa gieo hạt, khai thác lâm sản... nguy cơ sảy ra cháy rừng là rất cao. Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phòng chống cháy vườn cây cao su tại Điện Biên là hết sức cần thiết.
Tính đến 31/12/2017, Công ty Cô phần Cao su Điện Biên có 3.737,79ha cao su được trồng trên địa bàn 5 huyện và thành phố Điện Biên Phủ. Trong năm 2017, Công ty đã có 630,081 ha cho khai thác mủ, mật độ bình quân là 328 cây/ha, sản lượng thu hoạch được trên 443 tấn mủ quy khô.
Năm 2018, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên phấn đấu sản lượng đạt 850 tấn mủ quy khô. Các diện tích vườn cao su trải dài trên diện rộng, mật độ dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn nên khi xảy ra cháy khó huy động lực lượng, huy động chữa cháy cũng như tiếp cận nguồn nước để lấy nước dập cháy…
Vườn cây Cao su của Nông trường Cao su Điện Biên đang được công nhân, người dân chăm sóc và bảo vệ tốt trong mua khô hanh. |
Từ những thực trạng trên ngay từ đầu năm Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã chỉ đạo các nông trường, đội, tổ cơ sở triển khai phương an, kế hoạch phòng chống cháy, làm hàng rào bê tông cốt thép tại những nơi xung yếu để quản lý bảo vệ vườn cây, nhằm giảm thiểu thiệt hại vườn cây cao su nếu xảy ra cháy, nhất là những diện tích cho và chuẩn bị cho thu hoạch.
Phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp ngành, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân đốt nương an toàn, tránh gây cháy rừng, cháy vườn cây cao su, nhất là những hộ có diện tích canh tác gần vườn cao su. Đặc biệt, Công ty đã trích 500 triệu đồng để mua sắm phương tiện, vật tư, hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tham gia chữa cháy.
Ngoài ra, Công ty đã tổ chức ký cam kết thực hiện với các hộ có đất liền kề với vườn cao su, hướng dẫn người dân khi đốt nương phải báo cho đơn vị biết để cử người kiểm soát. Trước lúc đốt nương, làm rẫy phải chia diện tích cần đốt ra nhiều đám nhỏ hợp lý, đốt thực bị những lúc không có gió, đốt từ trên xuống dưới, đốt ngược chiều gió…
Nông trường Cao su Điện Biên có 5 đơn vị trực thuộc (Đội Cao su Mường Pồn 1, 2, đội Cao su Hua Thanh, Thanh Nưa, Thanh An, Thanh Xương) phụ trách quản lý, chăm sóc và bảo vệ trên 1.061 ha cao su, trong đó có 432 ha diện tích đã được cạo mủ trong năm 2017 với sản lượng đạt trên 300 tấn mủ. Và năm 2018, Nông trường sẽ khai thác thêm 315 ha diện tích cạo mủ, nâng tổng số diện tích cạo mủ lên 747 ha. Vì thế, mà công tác phòng chống cháy cho vườn cao su, đặc biệt vườn cao su đang trong quá trình khai thác mủ được Nông trường Cao su Điện Biên chú trọng hàng đầu.
Năm 2018, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên sẽ đưa vào khai thác, cạo mủ trên 1.223 ha cao su. Trong ảnh: Công nhân đang cạo mủ cao su tại diện tích cao su Mường Pồn, huyện Điện Biên năm 2017. |
Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Nông trường Cao su Điện Biên, cho biết: Hiện, Nông trường chúng tôi đang quản lý, chăm sóc lớn diện tích cao su của cả Công ty, nhất là diện tích cạo mủ nên bước vào mùa khô năm nay, khi vườn cây kết thúc chu kỳ rụng lá, đơn vị đã tập trung công nhân phát dọn, gom thực bì dưới tán cây đi đốt, phát đường băng cản lửa.
Với vườn cây cao su gần nương, rẫy người dân chúng tôi chỉ đạo công nhân làm đường băng cản lửa cách 7m nhằm tránh tình trạng đốt nương cháy lây sang vườn cao su, đồng thời trang bị thêm dụng cụ như: Bình xịt cháy, máy phun nước cứu hỏa, các dụng cụ bảo hộ cho công nhân; phân 50 điểm trực phòng cháy tại các vườn cao su, mỗi điểm trực là 2 đồng chí, khi xảy ra cháy, các đồng chí trực, trực tiếp xử lý đám cháy và báo nông trường cử thêm lực lượng hỗ trợ… Nhờ đó, vườn cây cao su của Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên nói chung và Nông trường Cao su Điện Biên nói riêng từ đầu năm đến nay luôn được bảo vệ an toàn, không xảy ra cháy tại vườn cây hoặc cháy do người dân đốt nương gây ra.
CTV - Tuyết Anh