Hiệu quả mô hình trồng đậu tương ở xã Sá Tổng
Điện Biên - Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Chà đã triển khai mô hình đậu tương tại bản Đề Dê, xã Sá Tổng (huyện Mường Chà), với 35 hộ dân cùng thực hiện và đã cho kết quả rất khả quan, ngoài mong đợi của bà con. Qua đó, góp phần mở ra hướng sản xuất mới, tạo điều kiện giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện tự nhiên tại địa phương.
Vụ thu đông năm 2017, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình sản xuất đậu tương giống DT84 tại bản Đề Dê (xã Sá Tổng, huyện Mường Chà). Đến đây, chúng tôi mới thấy sự tươi vui, rạng rỡ trên khuôn mặt của người nông dân trên cánh đồng đậu tương sắp đến kỳ thu hoạch, cây nào cũng sai quả, hạt chắc, báo hiệu một vụ bội thu.
Người dân trên địa bàn tham quan mô hình đậu tương và tìm hiểu kỹ thuật trồng đậu tương ở xã Sá Tổng. |
Trên diện tích ruộng khoảng 2.500m2 trồng đậu tương đang trong giai đoạn chín vàng, chuẩn bị cho thu hái, ông Giàng Chồng Chứ, bản Đề Dê (xã Sá Tổng) hăng say giới thiệu về ruộng đậu tương và kỹ thuật trồng đậu tương cho người dân đến tham quan mô hình.
Khi chúng tôi hỏi về ưu điểm, hiệu quả của cây đậu tương DT84, ông Chứ vui vẻ cho biết: Cây đậu tương có thời gian sinh trưởng ngắn, không tốn nhiều công chăm sóc, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Vụ này, gia đình ông trồng 2.500m2 đậu tương giống DT84. Sau hơn 3 tháng gieo trồng, đến nay cây đậu sinh trưởng, phát triển rất tốt. Trồng đậu tương cho thu nhập cao hơn trồng ngô, lúa; nếu năm nào cũng như thế này thì sang năm gia đình ông Chứ sẽ mở rộng diện tích trồng đậu tương để tăng thêm thu nhập.
Ông Sùng Chính Chung, Trưởng bản Đề Dê (xã Sá Tổng), cho biết: “Theo cán bộ khuyến nông nói, bản Đề Dê có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi để trồng cây đậu tương. Trong khi đó, diện tích lúa một vụ trên địa bàn cũng nhiều mà không trồng cây gì thì phí lắm. Vì vậy, khi cán bộ tuyên truyền dân bản trồng đậu tương thì dân bản rất đồng tình.
Trong thời gian qua, vùng đất này để trồng ngô, khoai nhưng năng suất không cao nên dân bản lại bỏ đất trống; cũng có một số gia đình trồng đậu tương nhưng diện tích nhỏ lẻ, giống chất lượng kém nên sản lượng không như mong muốn. Năm nay, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện vào đây thực hiện mô hình sản xuất đậu tương DT84, bản đã vận động 35 hộ dân tham gia, với quy mô 5ha. Đến nay, đậu tương chuẩn bị cho thu hoạch, sai quả, hạt chắc nên bà con dân bản rất vui”.
Để ổn định và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Mường Chà đã đẩy mạnh hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đến với bà con. Việc Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình trồng cây đậu tương, loại giống DT84 tại bản Đề Dê (xã Sá Tổng) bước đầu mô hình đã góp phần lớn vào thay đổi tập quán canh tác, tăng thu nhập cho bà con nông dân và có thể nhân rộng tại các địa bàn khác trong huyện.
Anh Giàng A Thò, Cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Chà, cho biết: Trong quá trình thực hiện, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Mường Chà đã tiến hành tập huấn và hỗ trợ 100% giống cùng vật tư cho các hộ nông dân thực hiện mô hình. Qua theo dõi cho thấy, giống đậu tương DT84 có thời gian sinh trưởng, phát triển ngắn, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 85%; cây khỏe, có khả năng chống chịu hạn, kháng sâu bệnh tốt. Thân cây cao khoảng 50cm, số quả chắc/cây đạt 96%, mỗi cây bình quân có 25 quả, phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu của xã Sá Tổng.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư luôn bám cơ sở để hướng dẫn bà con từ cách làm đất, gieo hạt, bón phân, làm cỏ. Để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh: sâu ăn lá, rầy xanh, rệp... , Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện thường xuyên xuống kiểm tra và hướng dẫn bà con phun phòng trừ theo đúng tỷ lệ.
Anh Giàng A Thò cho biết thêm: Đến thời điểm này, diện tích đậu tương tham gia mô hình đã cho thu hoạch với năng suất đạt hơn 28 tạ/ha, tăng khoảng 17 tạ/ha so với giống đậu tương đang gieo trồng tại địa phương. Với giá bán hiện nay khoảng 15 nghìn đồng/kg, cho thu nhập về trên 40 triệu đồng/ha.
Mặc dù diện tích trồng đậu tương chưa lớn, phạm vi vẫn còn nhỏ lẻ nhưng những thành công bước đầu của mô hình đã giúp người dân đổi mới nhận thức mùa vụ, loại bỏ những cây kém chất lượng, tạo ra giống thuần chủng, chủ động giữ giống cho vụ sau. Đồng thời góp phần quan trọng đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.
CTV - Phạm Quang