Vì sao các dự án điện gió khó triển khai ở Việt Nam?
Với tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam, Việt Nam và Đan Mạch tin tưởng hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch đã đề ra.
Nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam và tìm hướng kinh doanh trong xây dựng và vận hành các nhà máy điện gió, ngày 7/12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Đan Mạch đã phối hợp với Công ty Vestas tổ chức Hội thảo “Năng lượng gió Việt Nam: Đầu tư và lợi nhuận từ gió”.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ có 6 dự án điện gió được đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất khoảng gần 200MW. Bộ Công Thương đánh giá, khả năng hạn chế của chủ đầu tư trong việc phát triển một dự án khả thi, khó có thể tiếp cận nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế là những nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án điện gió khó triển khai.
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, công nghệ năng lượng tái tạo đang ngày càng phát triển với chi phí phát triển dự án năng lượng tái tạo ngày càng cạnh tranh so với các nguồn năng lượng truyền thống.
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam tại hội thảo. |
Việt Nam trong bối cảnh nguồn thủy điện đã khai thác gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng. Việt Nam đã và đang phải nhập khẩu nguyên điện và năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện, việc phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và tự chủ nguồn cung điện, bảo vệ môi trường.
“Trong lộ trình phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh khung chính sách pháp lý, đề xuất ban hành các cơ chế để khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thời kỳ mới, nghiên cứu công nghệ lưới điện thông minh, kỹ thuật lưu trữ năng lượng và khả năng dự báo nhằm tối ưu hóa khả năng tiếp nhận nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo...”, ông Quân nêu rõ.
Do đó, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, với công nghệ và kinh nghiệm hàng đầu thế giới về phát triển điện gió, Đan Mạch có thể tiếp tục giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng chuyên môn, cung cấp nguồn tài chính thông qua hợp tác doanh nghiệp và hợp tác nghiên cứu phát triển.
Theo ông Clive Turton, Chủ tịch Vestas châu Á - Thái Bình Dương, thế giới đang chuyển đổi công nghệ cao, triển khai tiến tới sử dụng nguồn điện gió và mặt trời; tại châu Âu đã có 85% các dự án, nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, và Vestas muốn hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi nguồn theo định hướng năng lượng tái tạo như vậy. “Với tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu về năng lượng sạch đã đề ra”, ông Clive Turton cho biết.
Trước đó, tại Đại sứ quán Đan Mạch ở Hà Nội, Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu và Vestas châu Á Thái Bình Dương đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tiến hành nghiên cứu về sức gió ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Trong khuôn khổ hợp tác này, hai bên sẽ cùng nhau hình thành khu vực nghiên cứu, phát triển các trang trại điện gió ở xã Hướng Linh. Dựa trên tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, khu vực nghiên cứu sẽ được phát triển theo giai đoạn thông qua 6 tiểu dự án với công suất tối thiểu 30MW. Cả 2 công ty sẽ tiến hành nghiên cứu sức gió và địa điểm để chọn vị trí đặt tuabin cho các tiểu dự án...
Tại hội thảo, bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cũng cho rằng, thời gian qua, Việt Nam và Đan Mạch đã hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Với Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam được công bố trong tháng 12 này, sẽ là cơ hội đối với Việt Nam để đảm bảo giải pháp năng lượng bền vững. Báo cáo cũng chỉ ra hệ thống điện Việt Nam có thể tích hợp thêm lượng lớn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện dài hạn.
“Phía Đan Mạch sẽ hỗ trợ để Việt Nam có thể đạt mục tiêu tương lai năng lượng xanh hơn, củng cố quan hệ Việt Nam - Đan Mạch trong ngành năng lượng, bà Đại sứ Charlotte Laursen khẳng định./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN