Phiên đấu giá lịch sử Sabeco, bài học để bán vốn Nhà nước được giá nhất
Nếu cứ lo sợ mất thương hiệu Sabeco mà chỉ bán cho nhà đầu tư nội, có lẽ Nhà nước chỉ thu được 1,5 tỷ USD chứ không thể thu tới 5 tỷ USD.
Nếu Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) không lên niêm yết trên sàn chứng khoán rồi mới đấu giá và nếu cứ lo sợ mất thương hiệu mà chỉ bán cho nhà đầu tư nội, thì có lẽ Nhà nước chỉ thu được 30% tương đương khoảng 1,5 tỷ USD chứ không thể thu về được tới 5 tỷ USD. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên về phiên đấu giá cạnh tranh hơn 343 triệu cổ phần Sabeco (mã SAB), tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco vừa qua.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) (Ảnh: C.V.K/tuoitre) |
Tỷ lệ vốn chào bán hấp dẫn
Phóng viên: Với mức giá 320.000 đồng/cổ phần, phiên chào bán cạnh tranh cổ phần Sabeco được cho là có mức giá cao lịch sử, vượt xa mức giá do các tổ chức tư vấn xác định 184.000 đồng/cổ phần, gấp 4,6 lần giá thành công trong phiên IPO năm 2008. Theo ông, vì sao đấu giá cổ phần Sabeco lại thành công đến như vậy?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Thành công do chủ trương bán trọn lô hơn 53% vốn điều lệ của Sabeco, nên nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cố mua để nắm giữ quyền chi phối. Giả sử ta chỉ bán khoảng 30-40% vốn, thì số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra rất lớn nhưng họ cũng không có quyền chi phối, nên khi bán 53% thì có khi họ cố gắng “ôm” để có quyền quản trị.
Tất nhiên, đại diện Nhà nước vẫn có 2 thành viên trong hội đồng quản trị, nhưng theo luật, nhà đầu tư nắm trên 51% vốn thì họ có thể giữ chức Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng Giám đốc. Rõ ràng, bán với tỷ lệ như vậy thì bao giờ giá cũng cao hơn là chỉ bán 40-41%, nhà đầu tư không được chi phối thì giá cũng sẽ không được cao.
Ngoài ra, thành công còn do chúng ta thực hiện công khai, minh bạch và cũng là thương vụ mà nhiều nhà đầu tư chờ đón từ lâu rồi. Trong quá trình chào bán, chúng ta thu hút được nhiều hãng bia nước ngoài lớn tham gia. Chính vì có nhiều hãng bia lớn của nước ngoài tham gia nên tạo ra giá cạnh tranh.
Phóng viên: Nhìn lại quá trình thoái vốn tại Sabeco có thể thấy những nỗ lực của Chính phủ như thế nào?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Thực tế, phương án của Bộ Công Thương ban đầu muốn bán cổ phần tại Sabeco sau đó mới niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, do sợ mất thương hiệu nên chỉ muốn bán cho nhà đầu tư nội thôi. Nếu theo phương án đấy thì có khi Nhà nước chỉ thu được 30% khoảng 1,5 tỷ USD.
Năm 2016 hiệp hội cũng đã nêu lên hàng loạt những tồn tại của Sabeco và chúng tôi cũng đề nghị phải niêm yết xong trên thị trường chứng khoán rồi mới thoái vốn. Có như vậy thì mới công khai minh bạch. Sau đó, Chính phủ khi họp về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn Sabeco, Thủ tướng yêu cầu phải niêm yết trên sàn chứng khoán cho minh bạch rồi sau mới bán. Tôi thực sự đánh giá cao vai trò Thủ tướng Chính phủ cách đây khoảng 1 năm kiên quyết đưa Sabeco lên niêm yết trên sàn chứng khoán rồi mới đấu giá. Còn nếu cứ theo phương án Bộ Công Thương trước đây bán xong mới niêm yết và chọn đầu tư trong nước thì khó mà thành công như bây giờ.
Phóng viên: Theo ông, quy trình thực hiện bán vốn nhà nước tại Sabeco được thực hiện như thế nào, có đảm bảo công khai, minh bạch?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Nói chung quy trình cũng công khai, tuy nhiên thông tin đưa ra còn ngắn gọn chưa đầy đủ lắm. Ví dụ có nhiều công ty con, công ty liên kết nhưng không thông tin rõ tổng công suất của Sabeco bao nhiêu điều này rất quan trọng, hay các công ty con và công ty liên kết lợi nhuận bao nhiêu…Các nhà đầu tư mong muốn thông tin cần đầy đủ hơn nữa. Tất nhiên tỷ lệ đưa ra bán là trên 51% nên hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược.
Bài học cho nhiều DNNN
Phóng viên: Việc bán cổ phần nhà nước tại Sabeco có thể coi là một bài học kinh nghiệm trong việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Có thể thấy trước đó, năm 2016 trong đợt chào bán rầm rộ 9% vốn nhà nước tại Vinamilk, Tập đoàn F&N - Tập đoàn sản xuất đồ uống Singaporetham gia đấu giá VNM mua 60% lượng cổ phiếu chào bán, còn lại “ế” 40%... Trong khi đó, thương vụ Sabeco này thì lại thành công lớn và Nhà nước được lợi. Từ đó có thể thấy bài học không chỉ cho Vinamilk mà còn nhiều doanh nghiệp nhà nước khi thoái vốn sau này cũng nên bán trọn lô. Với Vinamilk, hiện Nhà nước đang nắm 36% vốn và Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất, còn Tập đoàn F&N 19%. Nếu bán trọn lô thì nên bán hết 36% vốn thì sẽ được giá hơn, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược trong ngành sữa vào đầu tư, họ sẽ cố ôm trọn lô để nắm quyền chi phối.
Không lo mất thương hiệu
Phóng viên: Nhưng nếu bán một lượng lớn vốn như thế sẽ tác động thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam khi quy mô còn nhỏ?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Bán cho đối tượng nhà đầu tư chứng khoán thì sẽ hút lượng vốn lớn từ nhà đầu tư chứng khoán vào đấy, sẽ ảnh hưởng thị trường. Tuy nhiên đây là bán lô lớn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì mình không ảnh hưởng gì cả vì mình hút thêm vốn. Ví dụ với Sabeco có 10 hãng bia nước ngoài nghiên cứu, nếu không bán thì họ cũng không vào. Với các hãng bia nước ngoài, người ta vào mua hãng bia nội không tham gia đầu tư tài chính thị trường chứng khoán, chỉ có hút thêm vốn và tốt cho thị trường nên không có gì biến động hay tiêu cực.
Phóng viên: Trước đây nhiều ý kiến lo ngại rằng khi nhà đầu tư nước ngoài mua lại những doanh nghiệp lớn như Sabeco, có nguy cơ sẽ mất thương hiệu, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Nhà đầu tư bỏ ra khoảng 5 tỷ USD là một số tiền rất lớn để mua thương hiệu nên không thể hủy hoại thương hiệu đó. Cho nên mình không lo vấn đề đó. Ví dụ nhà đầu tư Thái mà đổi thương hiệu đưa bia Thái vào thì chưa chắc đã thành công và hợp gu với thị hiếu người Việt Nam. Thay đổi thương hiệu không phải dễ vì mỗi nước khẩu vị khác. Có khi đưa bia Thái vào sẽ phải mất thời gian và tiền bạc để quảng bá thương hiệu xúc tiến chứ không phải đơn giản. Thương hiệu Bia Sài Gòn 140 năm rồi không ai dại gì mà hủy hoại thương hiệu ấy.
Phóng viên: Sau thương vụ thành công bán vốn Nhà nước tại Sabeco, một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là số tiền thu được từ thoái vốn sẽ được sử dụng như thế nào, theo ông số tiền đó sẽ được sử dụng ra sao?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Hiện theo quy định, số tiền bán cổ phần tại doanh nghiệp Nhà nước sẽ nhập chung vào thu ngân sách nhà nước. Từ đó sử dụng theo kế hoạch chi tiêu ngân sách nhà nước. Thoái vốn tại Sabeco, Nhà nước thu về hơn 110.000 tỷ đồng, như vậy có thể vay nợ sẽ ít đi. Theo tính toán, bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco thu số tiền chiếm 10% ngân sách nhà nước, có thể giúp giảm bội chi ngân sách nhà nước. Có thể nói chúng ta bán rất được giá, nếu bán nốt 36% cổ phần của Nhà nước tại Sabeco thì đủ để xây dựng cao tốc Bắc Nam mới theo hình thức PPP.
Phóng viên: Từ nay đến năm 2020 cả nước sẽ phải cổ phần hóa hơn 100 doanh nghiệp nhà nước và hiện vốn nhà nước tại doanh nghiệp lên tới hàng triệu tỷ đồng. Vậy việc thoái vốn tại DNNN làm sao có lợi nhất và đảm bảo minh bạch, tránh được lợi ích nhóm và thất thoát?
Ông Nguyễn Hoàng Hải: Với những DNNN cổ phần hóa mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối hoặc nắm giữ nhiều cổ phần thì kiên quyết phải lên sàn chứng khoán. Bởi vì niêm yết trên sàn chứng khoán, khi bán bao giờ cũng được giá hơn là chưa lên sàn. Hiện vẫn còn nhiều DNNN cổ phần hóa mà chưa lên sàn. Do đó phải thúc đẩy các doanh nghiệp này lên sàn. Thứ 2 là phải bán trọn lô, Nhà nước nắm cổ phần chi phối thì đừng bán “nhỏ giọt” bởi sẽ không được giá và cũng ảnh hưởng lượng vốn trên thị trường.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Theo VOV