Nhiều ứng dụng KH&CN có hiệu quả phát triển nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Điện Bien TV - Là tỉnh miền núi, biên giới kinh tế chậm phát triển, do vậy phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn (NN&NT) có một vị trí rất quan trọng đối với Điện Biên. Trong những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã nỗ lực phối hợp cùng với Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Điện Biên, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, góp phần tích cực vào quá trình phát triển NN&NT của Tỉnh.
Thời gian qua, ngành KH&CN Điện Biên đã tích cực trong việc nghiên cứu, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho Tỉnh để phát triển NN&NT, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đến nay, nhiều địa phương đã xuất hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đời sống sinh hoạt và sản xuất.
Ngành KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhằm tạo ra những sản phẩm hàng hóa có năng xuất, chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nghiên cứu đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ ứng dụng KH&CN, nhất là ưu tiên áp dụng công nghệ về giống, bảo quản, chế biến Nông - Lâm sản sau thu hoạch, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho bà con nông dân.
Để phát triển NN&NT bền vững, tỉnh Điện Biên đã Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả, thông qua ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, bảo quản và chế biến; đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đưa hệ số sử dụng có hiệu quả đất Nông-Lâm nghiệp từ 1,4 lên 1,9 lần.
Dự án phát triển sản xuất thanh long vùng lòng chảo Điện Biên, do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa quả Gia Lâm (Hà Nội) thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học, đã tạo hướng đi mới trong trồng Thanh long hàng hóa |
Tiếp tục hình thành và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với đặc tính sinh thái của từng loại cây để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương như: Vùng Chè Tuyết San Tủa Chùa, vùng Cà Phê Mường Ảng, vùng trồng cây Đậu tương ở Tuần Giáo... Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thực hiện thành công 1 mô hình cánh đồng lớn tại xã Thanh Yên huyện Điện Biên, thu hút đầu tư theo mô hình liên kết theo 3 giai đoạn “Sản xuất - Chế biến - Tiêu thụ sản phẩm” giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất hàng hóa, xây dựng và xác nhận 10 chuỗi cung ứng/tiêu thụ sản phẩm, thực phẩm an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trong nông nghiệp, nông thôn (đến nay có 121 Hợp tác xã nông nghiệp, 399 tổ hợp tác nông nghiệp, 44 trang trại được cấp giấy chứng nhận).
Bên cạnh đó là, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, khai thác tốt diện tích triền núi dốc để phát triển các loại cây cây lấy gỗ, vừa làm sản phẩm hàng hóa, vừa chống sói mòn đất...; tích cực chuyển đổi con giống chăn nuôi theo hướng đưa chăn nuôi trở thành một ngành chính; phát triển sản xuất Nông-Lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; đầu tư xóa đói giảm nghèo đối với vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc...
Ngành KH&CN đã tập trung triển khai có hiệu quả công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm tăng đáng kể, diện mạo NN&NT ngày càng khởi sắc. Gần 70% đề tài/dự án đã thực hiện hỗ trợ các đơn vị sản xuất, ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, KH&CN, Công ty giống nông nghiệp Điện Biên, các Trung tâm Khuyến nông – Khuyến lâm... đã triển khai nhiều danh mục, đề tài, dự án hỗ trợ sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi nổi bật là giống Ngô HQ2000, HT818 và MX4 có đặc tính vượt trội so với các giống ngô khác ở chỗ: cứng cây, cây thấp, ít bị đổ khi gặp mưa gió, chịu hạn tốt, có khả năng kháng sâu bệnh, chống suy dinh dưỡng cho vùng đồng bào các dân tộc có truyền thống dùng ngô làm lương thực; bổ sung thức ăn giàu chất dinh dưỡng để phát triển chăn nuôi; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Tầm trong lồng, bè tại hồ thủy lợi Pe Luông huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ nuôi cá Tầm và xây dựng 16 lồng nuôi cá; đã thả cá giống 02 đợt tháng 4/2016 (3.840 con) và tháng 9/2016 (3.840 con). Cây Đậu tương dòng 42, ĐT84... nông dân gieo trồng cho năng suất 1,8 – 2 tấn/ha (gấp 3, 4 lần so với canh tác theo tập quán cũ).
Từ chỗ người dân không biết trồng đậu tương vụ xuân hè, đậu tương trên đất 1 vụ lúa nay đã tự giác vận động, giúp đỡ nhau mở rộng diện tích trồng đậu tương điển hình tại các huyện: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Tuần Giáo... là những địa phương có diện tích trồng đậu tương được mở rộng nhiều nhất. Ngoài ra còn rất nhiều mô hình sản xuất trong NG&NT có hiệu quả, nhất là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển NN&NT trên địa bàn Tỉnh.
Những kết quả đó đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thế mạnh, lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường, từng bước tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát triển các Hợp tác xã và mô hình kinh tế trang trại, hình thành và tạo liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa.
Cùng với đó, tỉnh còn thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020. Các dự án đã làm tăng từ 15 - 25% năng suất cây trồng trong vùng, mang lại niềm phấn khởi cho người nông dân, giúp cho người dân biết khai thác tiềm năng đất đai đưa vào sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 6.795 tỷ đồng.
Giống ngô lai HT818 tại xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, do Viện Nghiên cứu ngô nghiên cứu, lai tạo đã khẳng định vượt trội về năng suất và khả năng chống chịu với điều kiện khô hạn, cho lãi thực thu đạt trên 37 triệu đồng/ha |
Ngành KH&CN Điện Biên đã và đang thực hiện các nhiệm vụ điều tra khảo sát nhằm phát hiện, khai thác, sử dụng tiềm năng thế mạnh của tỉnh, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh như: nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, từng vùng, từng huyện. Công tác nghiên cứu địa chất trên địa bàn tỉnh đã xác định được các vùng có nguy cơ xảy ra trượt lở, lũ quét… đưa ra các giải pháp phòng tránh, góp phần quan trọng cho xây dựng Đề án định canh định cư, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân; Điều tra khảo sát nhằm nghiên cứu các giải pháp khai thác sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực NN&NT.
Ông Nguyễn Văn An, Giám đốc sở KH&CN Điện Biên cho biết: Bên cạnh việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH&CN, hầu hết các đề tài, dự án khoa học thuộc lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp đều tập trung hỗ trợ trực tiếp nông dân về giống mới, vật tư, đặc biệt về kỹ năng canh tác và năng lực tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đã có tác động tốt đến đời sống kinh tế - xã hội của vùng nông thôn.
Thông qua các hoạt động ứng dụng KH&CN, phục vụ phát triển NN&NT trên địa bàn tỉnh, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng, song quan trọng nhất là người dân đã từng bước tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đã tạo ra hàm lượng KH&CN trong mỗi giá trị sản phẩm, hàng hoá, Góp phần xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc và phát triển NN&NT tỉnh Điện Biên.
Kế thừa những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở KH&CN Điện Biên tiếp tục tổ chức kịp thời các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đúng theo yêu cầu quản lý nhà nước về KH&CN như: thực hiện các đề tài dự án khoa học; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra; tuyên truyền phổ biến pháp luật; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ và xác lập quyền sở hữu trí tuệ; điều tra, bổ sung cơ sở dữ liệu về công nghệ của các ngành công nghiệp chủ yếu trên địa bàn; thông tin tuyên truyền các thành tựu tiến bộ KH&CN vào sản xuất Nông nghiệp... nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh./.
CTV - Khánh Toàn/BTG Tỉnh ủy Điện Biên