Mòn mỏi chờ nhận đủ tiền hỗ trợ chuyển đổi đất canh tác sang trồng cao su
Điện Biên TV - Mặc dù đã góp đất canh tác để chuyển sang trồng cao su đã gần 10 năm nay, nhưng một số hộ dân trên địa bàn xã Na Sang (huyện Mường Chà) vẫn chưa được nhận đầy đủ tiền hỗ trợ. Việc chậm hỗ trợ kinh phí cho người dân góp đất trồng cao su không chỉ khiến người dân chán nản, mất niềm tin mà còn kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đến bản Hin 2 (xã Na Sang) là địa bàn có nhiều hộ gia đình góp đất nương thực hiện dự án trồng cao su. Tuy nhiên, đến nay, nhiều hộ dân vẫn chưa nhận đủ số tiền hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha theo Quyết định số 16/2011/QĐ-UBND ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh ban hành chính sách tạm thời về việc hỗ trợ phát triển cây cao su trên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn đến năm 2020
Là một trong những hộ gia đình tiên phong trong việc góp đất sản xuất chuyển sang trồng cây cao su, từ năm 2009 – 2012, gia đình anh Sìn Văn Bóng, bản Hin 2 đã góp hơn 6ha đất nương để thực hiện dự án trồng cây cao su trên địa bàn. Tuy nhiên, đến cuối 2015, gia đình anh mới được tạm ứng hơn 2 triệu đồng tiền hỗ trợ và từ đó đến nay không được nhận thêm đồng nào khiến anh Bóng vô cùng bức xúc.
Anh Bóng cho biết: Trong 3 năm (từ năm 2009 – 2012), gia đình anh Bóng đã góp hơn 6ha đất nương để chuyển sang trồng cây cao su và đã được cấp 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện giờ, nhiều diện tích cây cao su trên phần nương do gia đình đóng góp đã cho thu hoạch nhưng gia đình anh Bóng vẫn chưa được nhận đủ số tiền hỗ trợ theo Quyết định số 16.
Trong khi, nhiều gia đình trên địa bàn xã góp đất sau và diện tích ít hơn thì lại nhận được nhiều tiền hỗ trợ nhiều hơn. Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ không đồng đều giữa các hộ dân góp đất khiến anh Bóng nghi ngờ và cảm thấy có sự bất công trong cấp phát tiền hỗ trợ.
Anh Lường Văn Phương, Trưởng bản Hin 2 (ngồi giữa) trao đổi với dân bản về việc hỗ trợ chuyển đổi đất canh tác sang trồng cao su. |
Tương tự như trường hợp của gia đình anh Sìn Văn Bóng, nhiều hộ dân trong bản Hin 2 cũng chưa được nhận đầy đủ số tiền hỗ trợ theo diện tích đất đã góp. Đơn cử như gia đình anh Lường Văn Phương, Trưởng bản Hin 2 cũng góp hơn 3ha đất canh tác để chuyển sang trồng cây cao su nhưng đến nay cũng mới chỉ nhận được tạm ứng 7,5 triệu đồng, trong khi hầu hết diện tích đất do gia đình góp đều trồng cao su và có điểm đã cho thu hoạch.
Anh Phương chia sẻ: Bản Hin 2, xã Na Sang (huyện Mường Chà) có gần 70 hộ dân, trên 200 nhân khẩu; trong đó có hơn 40 hộ đã góp đất để trồng cây cao su, trong đó có cả gia đình anh Phương. Đến nay, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân góp đất trồng cao su cơ bản đã hoàn thành nhưng nhiều hộ vẫn chưa nhận đủ tiền hỗ trợ khiến bà con dân bản thắc mắc. Trong khi đó, hiện nay, địa chính xã đã thu hết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất càng khiến bà con có tâm lý hoài nghi, sợ mất đất. Bởi vì nhiều hộ dân không lưu lại những bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không biết diện tích vườn cao su do mình góp đất nằm ở đâu và diện tích là bao nhiêu.
Lãnh đạo bản đã nhiều lần đề nghị chính quyền xã xem xét giải quyết thắc mắc của bà con thì cán bộ xã Na Sang giải thích là do nguồn kinh phí hạn chế nên chưa có tiền hỗ trợ đầy đủ cho các hộ gia đình góp đất trồng cao su. Còn đối với việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân thì xã giải thích là để làm thủ tục, hợp đồng tính toán chi trả tiền % góp đất cho người dân với nông trường cao su.
Anh Phương cho biết thêm: Việc đo đạc quy chủ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đã thực hiện xong, đo đạc cả những diện tích đất dốc vào nhưng giờ lại bảo không trồng được thì không hỗ trợ thì người dân cũng rất bức xúc. Việc đất nương góp vào để trồng cao su hết mà tiền hỗ trợ lại chưa được nhận đầy đủ khiến người dân có những hành động tiêu cực như cuối tháng 9 vừa qua đã có người tự ý chặt phá hơn 10 cây cao su của nông trường. Vì vậy, bản Hin 2 mong chính quyền địa phương và Nông trường Cao su Mường Chà quan tâm đến vấn đề này, sớm có biện pháp giải quyết để hỗ trợ người dân trong bản.
Không chỉ bản Hin 2, bản Na Sang 1 cũng có nhiều hộ chưa nhận đủ tiền hỗ trợ chuyển đổi đất nương sang trồng cây cao su. Chị Quàng Thị Nhung, bản Na Sang 1 (xã Na Sang) cũng bức xúc: “Gia đình tôi có 2ha đất canh tác chuyển sang trồng cao su đã gần 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa nhận đủ tiền hỗ trợ theo Quyết định 16 của UBND tỉnh. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác cùng chung tình trạng, còn nhiều hộ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng cũng chưa được nhận tiền hỗ trợ. Dân bản đã kiến nghị trong các buổi họp, tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa được giải quyết nên giờ người dân chỉ biết chờ đợi, mà không biết khi nào thì được nhận đủ tiền hỗ trợ.”
Về phía chính quyền xã Na Sang, ông Vàng A Pó, Chủ tịch xã Na Sang cho biết: Về việc các hộ dân chưa được nhận đầy đủ tiền hỗ trợ chuyển đổi đất canh tác sang trồng cây cao su, người dân trên địa bàn xã đã có ý kiến rất nhiều trong các cuộc họp và tiếp xúc cử tri các cấp nhưng đây là vấn đề rất phức tạp nên xã đề nghị với huyện xem xét, để có phương án giải quyết. Đến nay, hầu hết các hộ dân đã được hỗ trợ nhưng chưa đầy đủ là do kinh phí các đợt tạm ứng còn hạn chế.
Mới đây, thực hiện công văn số 931/UBND-TNMT về việc rà soát diện tích trồng cây cao su chưa được hỗ trợ và diện tích đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không trồng cây cao su trên địa bàn xã, chính quyền xã Na Sang đã chỉ đạo địa chính xã phối hợp với nông trường cao su kiểm tra, rà soát lại kinh phí hỗ trợ và những diện tích trồng cây cao su tại địa phương để báo cáo UBND huyện.
Qua rà soát đợt cuối tháng 9/2017, xã Na Sang có 120 hộ nằm trong quy hoạch trồng cây cao su đã được đo đạc địa chính và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không trồng cây cao su. Chính quyền địa phương sẽ báo cáo với UBND huyện và đề nghị huyện sớm có phương án giải quyết tình trạng trên để người dân gắn bó với cây cao su và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Về vấn đề này, ông Đinh Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, cho biết: Hiện nay, căn cứ vào số liệu do các xã và Nông trường Cao su Mường Chà báo cáo thì chênh lệch giữa diện tích cấp sổ đỏ và diện tích đã hỗ trợ trên địa bàn huyện là 145ha. Việc cử tri các xã: Na Sang, Sa Lông có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri về việc chưa nhận đầy đủ tiền hỗ trợ theo Quyết định số 16 của UBND tỉnh, UBND huyện đã yêu cầu các xã phối hợp với nông trường cáo su rà soát lại số liệu về diện tích trồng cây cao su trên địa bàn, đặc biệt là các diện tích đất đã cấp sổ và diện tích được hỗ trợ hàng năm và diện tích không trồng cao su.
Còn việc xã Na Sang thu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân trên địa bàn xã, UBND huyện không yêu cầu xã Na Sang thu lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân. Ông Tiến nhấn mạnh: Một số diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người dân nhưng không trồng cao su, các địa phương cần rà soát lại chính xác để đảm bảo tính công bằng giữa những hộ có đất trồng cao su. Qua đó đề nghị UBND tỉnh có phương án hỗ trợ các hộ dân góp đất nhưng không trồng cao su; đặc biệt là việc hỗ trợ theo diện tích cây cao su đứng sẽ thiệt thòi cho người dân, vì ngoài diện tích thực mà đơn vị tiến hành trồng cao su, những diện tích trống trong vườn cao su, người dân cũng không thể sử dụng với mục đích khác.
Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, các chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần tích cực tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu về chủ trương phát triển cây cao su trên địa bản tỉnh; đồng thời quan tâm và giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của nhân dân trên địa bàn để họ yên tâm, gắn bó với cao su, tùng bước ổn định cuộc sống.
CTV - Phạm Quang