Điện Biên

Hiệu quả từ một mô hình nuôi trâu sinh sản

Thứ Hai, 04/12/2017, 10:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - Được triển khai từ tháng 4/2014, đến nay sau hơn 3 năm thực hiện mô hình nuôi trâu sinh sản đã giúp nhiều hội viên nông dân xã Núa Ngam, huyện Điện Biên có điều kiện mở rộng, phát triển chăn nuôi. Từ đó, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả mô hình nuôi trâu sinh sản trên địa bàn, ông Trần Văn Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Núa Ngam cho biết: Xã có một số điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc chăn nuôi đại gia súc, nhưng do đa số hội viên còn nghèo, thiếu vốn sản xuất nên việc phát triển đàn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

1
Được vay vốn để mua trâu sinh sản chăn nuôi, gia đình anh Trần Văn Khường (thôn Hợp Thành) đã có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống

 

Năm 2014, từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân xã đã mạnh dạn triển khai mô hình nuôi trâu sinh sản tại thôn Hợp Thành và Hát Hẹ. Theo đó, 20 hội viên (mỗi thôn 10 hội viên) sẽ được vay 30 triệu đồng để đầu tư mua trâu sinh sản về chăn nuôi.

Tổng số tiền hội viên vay là 600 triệu đồng và sẽ phải hoàn trả lại trong thời hạn 3 năm. Ngoài được vay vốn để mua trâu giống, hội viên còn được Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi, hướng dẫn cách làm chuồng trại, cách phòng trị bệnh cho trâu. Nhờ vậy, đến nay sau hơn 3 năm triển khai thực hiện mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ số trâu ban đầu là 20 con, đến tháng 4/2017 tổng đàn trâu đã phát triển lên thành 59 con. Trong đó, nhiều hộ đã phát triển đàn trâu của gia đình lên thành 3 – 4 con. Qua đó, không chỉ trả hết số vốn đã vay ban đầu mà từ số tiền bán trâu, nghé còn giúp các gia đình có tiền để phục vụ sinh hoạt, mua sắm phương tiện, vật dụng gia đình, nuôi con ăn học. Đáng chú ý, từ mô hình còn giúp nhiều hộ vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Trong số 20 hộ được hỗ trợ vốn vay nuôi trâu sinh sản, đến nay có 3 hộ được đề nghị công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, 5 hộ được đề nghị công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã.

Là một trong những hộ được hỗ trợ vốn vay để nuôi trâu sinh sản, anh Trần Văn Khường (thôn Hợp Thành) cho biết: Năm 2014, sau khi được vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, gia đình anh đã đầu tư 25 triệu đồng mua một con trâu mẹ chửa 4 tháng để chăn nuôi, tận dụng sức kéo. Số tiền còn lại anh dùng để làm chuồng trại chăn nuôi. Nhờ chịu khó chăn thả, chăm sóc, sau hơn 3 năm đàn trâu của gia đình đã phát triển lên thành 4 con.

Hiện gia đình anh đang tích cực chăm sóc để tiếp tục nhân rộng, phát triển đàn trâu. Tính bình quân, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 15 triệu đồng từ chăn nuôi trâu sinh sản. Giống như anh Khường, gia đình bà Nguyễn Thị Ngàn (thôn Hợp Thành) cũng được vay vốn để nuôi trâu sinh sản. Sau hơn 3 năm dày công chăm sóc, số lượng đàn trâu đã tăng thành 4 con. Vừa qua, gia đình bà đã bán đi 2 con để trả số nợ đã vay ban đầu, đồng thời có tiền để mua sắm một số vật dụng gia đình, có thêm điều kiện để cải thiện cuộc sống…

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi trâu sinh sản, Hội Nông dân xã Núa Ngam đã đề nghị hội cấp trên tiếp tục hỗ trợ vốn vay giai đoạn 2 từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đến ngày 18/8 vừa qua, nguyện vọng của Hội đã được đáp ứng khi Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội đã hỗ trợ cho vay 600 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, Hội Nông dân xã đã cho 18 hội viên của thôn Hợp Thành vay để đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản. Qua đó, tạo điều kiện giúp hội viên có cơ hội mở rộng, phát triển đàn chăn nuôi gia súc, nâng cao thu nhập, từng bước thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống.

 

 

CTV -  Đức Linh

.