Nợ công, nợ đọng thuế..."nóng" trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính

Thứ Bảy, 18/11/2017, 10:22 [GMT+7]

Là người đầu tiên đăng đàn chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải đáp nhiều câu hỏi của đại biểu về nợ công, thuế, hải quan...

Ghế thực sự “nóng”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng "mở hàng" trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội ngày 16/11, giải đáp nhóm vấn đề liên quan tới công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
 

1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng


Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ngồi vào “ghế nóng” để các đại biểu Quốc hội chất vấn về các nhóm vấn đề liên quan nợ đọng thuế, hải quan hay quản lý nợ công. Dù vậy, ông Dũng vẫn không tránh khỏi lúng túng khi trả lời các câu hỏi của các đai biểu. Phần lớn các “giải pháp” được ông Dũng đưa ra là “rà soát khung pháp lý” và “ban hành các văn bản chính sách” trong khi các đại biểu đòi hỏi Bộ trưởng phải đưa ra những giải pháp cụ thể mang tính đột phá.

Khi nói về tình trạng nợ đọng thuế lâu chưa được giải quyết, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) chất vấn: “Bộ trưởng có giải pháp gì mới, có tính chất đột phá không, nếu không, không trả lời cũng được". Câu trả lời mà Bộ trưởng Dũng đưa ra vẫn chưa khiến đại biểu Cầu hài lòng.

Về con số nợ đọng thuế hiện nay hơn 73.000 tỷ đồng, đại biểu Dương Xuân Hòa (đoàn Lạng Sơn) hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính rằng, con số này đang như thế nào so với các nước trong khu vực? Bộ trưởng Dũng cho biết mức này tương đương các nước như Lào, Campuchia, đồng thời nhấn mạnh, giải quyết nợ đọng thuế cũng là trọng tâm Bộ triển khai quyết liệt.

Bộ trưởng Dũng thừa nhận 63% hộ kinh doanh “đi đêm” với cán bộ thuế nằm trong khảo sát chỉ số đánh giá hài lòng do VCCI thực hiện năm 2015 khi đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) hỏi Bộ trưởng về giải pháp gì để xử lý tình trạng tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thuế.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã phản đối đánh giá 63% doanh nghiệp cùng cán bộ thuế “đi đêm” với nhau, và yêu cầu phải có số liệu thống kê cụ thể.

Nhiều câu hỏi “hóc búa”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) về cơ chế một cửa quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian thông quan hàng xuất khẩu đã giảm được 3 giờ, hàng hóa nhập khẩu giảm 6 giờ. Chi phí thông quan một lô hàng giảm 19 USD.

Tuy vậy, ông Dũng thừa nhận số lượng thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều, sắp tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả của hải quan điện tử.

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội), Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, về việc hải quan chậm cho nhập 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư khiến lô thuốc này phải tiêu huỷ, Bộ trưởng khẳng định, lô thuốc ung thư máu này nhập chậm không phải do hải quan mà do lỗi kiểm tra chuyên ngành.

Giải đáp về vấn đề nợ công – vấn đề quan tâm của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Dũng thừa nhận áp lực trả nợ lớn. Tốc độ nợ công của Việt Nam thời gian qua của tăng nhanh. Năm 2016, nợ công tăng 15% và năm 2017 tăng 9%.

Bộ Tài chính đã có nghị quyết về tái cơ cấu ngân sách và đảm bảo an toàn nợ công bền vững, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm, theo đó, giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công (trần không quá 65%; nợ nước ngoài không quá 50%).

Kết luận phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, trong toàn phiên chất vấn đã có 44 đại biểu đặt câu hỏi, 7 đại biểu tranh luận. Qua phiên chất vấn có thể thấy, vấn đề ngân sách trong đó có vốn đầu tư công hiện nay vẫn còn nổi lên nhiều tồn tại, hạn chế và được nhiều đại biểu đề cập.
 

1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân


Chủ tịch Quốc hội nêu cụ thể như quy mô thu ngân sách giảm, thất thu thuế nghiêm trọng, sai phạm nghiêm tọng rong linh vực thuế, hải quan, gian lận kê khai chiếm đoạt thuế, chống chuyển giá hiệu quả chưa cao; nợ công và nghĩa vụ tăng nhanh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, việc trả lời một số nội dung câu hỏi, thắc mắc của các Đại biểu Quốc hội đưa ra chưa được các Bộ trưởng làm rõ, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, tập trung vào các giải pháp liên quan đến vấn đề xử lý nợ công, quản lý thuế, hoá đơn mua bán hàng hoá…/.

 

 

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

.