Nhiều quyết sách lớn vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4

Thứ Bảy, 25/11/2017, 16:28 [GMT+7]

Quốc hội vừa thông qua nhiều quyết sách lớn về kinh tế như mục tiêu tăng trưởng, quản lý nợ công, xây cao tốc, làm sân bay, cơ chế đặc thù cho TP HCM…
 
Sau gần 4 tuần làm việc, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, mang tính đột phá. Trong đó phải kể đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2018, phân bổ ngân sách, quản lý nợ công, quy hoạch tổng thể quốc gia, cơ chế đặc thù phát triển TP HCM, làm đường bộ cao tốc Bắc – Nam, xây sân bay Long Thành...

Tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2018

Ngày 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kinh tế - xã hội năm 2018. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu của năm tới gồm: GDP tăng 6,5% - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%...
 

1
(Ảnh minh họa: KT)


Theo Nghị quyết, Chính phủ có trách nhiệm thực hiện rà soát toàn bộ các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật gây mất trật tự an toàn xã hội.

Quốc hội cũng giao Chính phủ có chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến sâu và chế biến tinh, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản.

Phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018

Ngày 14/11, 88,39% đại biểu đã tán thành thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.

Theo đó, tổng số thu ngân sách Trung ương là 753.404 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 565.796 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Trung ương là 948.404 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.151 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Chính phủ có trách nhiệm giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, tỉnh, thành phố theo đúng quy định của pháp luật. 

Thống nhất đầu mối quản lý nợ công

Ngày 23/11, Quốc hội thông qua Luật quản lý nợ công (sửa đổi). Luật quy định Bộ Tài chính sẽ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, thay vì 3 cơ quan đầu mối (gồm cả Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước) như trước.
 
Quốc hội giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.

Lần đầu tiên có Luật Quy hoạch tổng thể quốc gia

Ngày 24/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quy hoạch, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Luật này quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch.

Theo quy định của Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm: Quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; và Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
 
Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Luật cũng quy định xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia theo hướng tích cực và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết.

Chính thức có phương án cho phá sản ngân hàng

Quốc hội cũng thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, có 5 phương án được đưa ra để cơ cấu lại các TCTD trọng diện kiểm soát đặc biệt.

Các phương án này bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; và Phương án phá sản.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một TCTD để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Luật sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018. Tuy nhiên các ngân hàng đã được kiểm soát đặc biệt, đang thực hiện phương án xử lý và nhà băng đã được mua lại giá 0 đồng trước đây, vẫn tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.

Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông

Sáng 22/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, các đoạn đường bộ cao tốc được xây dựng gồm: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai) và xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
 )
Trong giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần. Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là hơn 118.700 tỉ đồng, bao gồm: 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và hơn 63.700 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Chi 23.000 tỷ giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành

Chiều hôm qua (24/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với 94,3% đại biểu tán thành.

Theo Nghị quyết, diện tích đất thu hồi là gần 5.400 ha, trong đó dành 5.000 ha cho sân bay Long Thành; hơn 282 ha thuộc về khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn; 97 ha của khu tái định cư Bình Sơn; diện tích đất khu nghĩa trang là 20 ha. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Với tổng mức đầu tư dự án 22.938 tỷ đồng, Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập trên cơ sở bảo đảm hài hòa với các dự án đã thực hiện trên địa bàn.

Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM

Mới nhất, chiều 24/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
 
Theo đó, 4 nhóm cơ chế đặc thù sẽ được thí điểm cho TP HCM gồm công tác quản lý đất đai, đầu tư, tài chính – ngân sách và cơ chế thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Nghị quyết thông qua lần này chưa cho phép TP HCM thí điểm thuế tài sản. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo định hướng về cải cách hệ thống thuế quốc gia giai đoạn 2016-2020…/.

 

 

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

.