Minh bạch và kiểm soát thu nhập: Cần đẩy mạnh thanh toán qua tài khoản
Theo một số đại biểu Quốc hội, hiện nay việc xác minh tài sản, thu nhập ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn do chưa kiểm soát được nguồn vào-nguồn ra.
Bên lề phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng nay (21/11), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, một trong những biện pháp hiệu quả để phòng chống tham nhũng đó là minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập thông qua thanh toán bằng tài khoản ngân hàng.
Theo một số đại biểu, hiện nay việc xác minh tài sản, thu nhập ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là chúng ta chưa kiểm soát được nguồn thu (đầu vào) và chưa kiểm soát được nguồn chi (đầu ra). Điều này đã dẫn đến thực tế là nhiều cán bộ quan chức tài sản có 10 nhưng chỉ kê khai 1, hoặc tài sản đứng tên người thân.
Ảnh minh họa/KT |
Đại biểu Lê Thị Thu Hồng, đoàn Bắc Giang cho rằng, nên đẩy mạnh thanh toán qua tài khoản ngân hàng thì mới kiểm soát được tài sản, thu nhập.
"Vừa qua, chúng ta cũng đã khuyến khích được rất nhiều người sử dụng qua tài khoản. Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát chi tiêu tiền mặt của chúng ta trong thời gian vừa qua tôi thấy còn nhiều hạn chế. Theo tôi, một trong những phương thức để công khai minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ đó là việc sử dụng chi tiêu qua tài khoản" - đại biểu Lê Thị Thu Hồng nêu ý kiến.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, đoàn thành phố Hà Nội nhận định, thời gian vừa qua, việc xác định hành vi tham nhũng, xác định tài sản bất minh và thu hồi tài sản trong những vụ án tham nhũng gặp khó khăn do chưa có cơ chế kiểm soát nguồn thu, nguồn chi.
Đại biểu Hồng Hà cũng cho biết thêm: "Trong thời gian vừa qua chúng ta chưa thực sự làm tốt việc xác minh tài sản để tiến hành xử lý cũng như tịch thu những tài sản bất hợp pháp. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh thanh toán qua tài khoản. Tất cả những nguồn thu, nguồn chi, đầu vào, đầu ra mà được kiểm soát qua tài khoản sẽ giúp chúng ta xác minh những tài sản tạm gọi là bất hợp pháp và có cơ sở, có căn cứ và dễ dàng để xử lý. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ xác định trách nhiệm kỷ luật thậm chí là trách nhiệm hình sự đối với khối tài sản bất hợp pháp".
Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn An Giang, một trong những biện pháp để phòng chống tham nhũng đó là quản lý được tài sản tham nhũng. Theo đó, dự thảo đã có quy định các giao dịch của người có chức vụ từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện qua ngân hàng, đại biểu cho rằng có như vậy mới đảm bảo minh bạch được nguồn gốc tài sản.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Hiện nay nếu làm chặt chẽ việc quản lý kê khai tài sản sẽ rất đơn giản, đó là những tài sản giá trị lớn bắt buộc khi mua bán phải qua hệ thống ngân hàng không được dùng tiền mặt để mua bán. Khi mua bán qua hệ thống ngân hàng với những giao dịch rõ ràng thì sẽ hạn chế tố đa sự tham nhũng. Thứ hai là khi kiểm tra lại sẽ dễ dàng hơn. Nếu giao dịch qua ngân hàng sẽ dễ dàng tìm ra giá trị thật của tài sản tham nhũng.”./.
Theo Nguyên Nhung, Minh Hường/VOV