Điện Biên

Tăng cường phòng trừ chuột bảo vệ mùa màng

Thứ Tư, 01/11/2017, 09:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm gần đây, tình hình chuột hại cây trồng diễn biến phức tạp, diện tích và mức độ gây hại đang có xu hướng gia tăng từ 10-15% qua các năm.

Năm 2017, trên địa bàn tỉnh Điện Biên tình hình chuột hại cây trồng diễn biến phức tạp, riêng cây lúa có trên 930 ha bị chuột gây hại, trong đó diện tích bị nặng (tỷ lệ trên 20% dành, bông) là 105 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Tuần Giao, huyện Điện Biên, Mường Ảng, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ...

Bên cạnh đó, việc diệt chuột còn mang tính tự phát ở từng hộ, chưa đồng loạt, chưa thành phong trào toàn dân; thời điểm, kỹ thuật sử dụng thuốc chưa phù hợp; việc đầu tư nguồn lực còn hạn chế dẫn tới hiệu quả diệt chuột bảo vệ sản xuất chưa cao.

1
Diệt chuột bằng bả diệt chuột sinh học mang lại hiệu quả và an toàn cho người, vật nuôi.


Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, bảo vệ sản xuất, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên đã có đề nghị cụ thể đối với từng đơn vị. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, cần chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân thường xuyên diệt chuột bằng các biện pháp thích hợp, trong đó ưu tiên biện pháp thủ công; cần kết hợp diệt chuột ngoài đồng, ven làng với việc diệt chuột trong khu dân cư, trong các hộ gia đình và khuyến khích phát triển đàn mèo; nghiêm cấm sử dụng các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người, vật nuôi.

Căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng phương án phòng trừ chuột đồng loạt theo từng giai đoạn trong vụ, năm. Trong đó tập trung vào giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ khi đồng trắng vào thời kỳ đổ nước, làm đất, sau các trận mưa lớn, và thời kỳ lúa chuẩn bị làm đòng; chú ý những diện tích ven đồi, ven kênh mương, đường lớn, gần khu dân cư. Ưu tiên hỗ trợ kinh phí mua bẫy, bả diệt chuột sinh học, thuốc hóa học, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, thông tin tuyên truyền về tác hại và các biện pháp kỹ thuật diệt chuột hiệu quả.

Đối với Chi cục Bảo vệ thực vật cần đề xuất, tham mưu nguồn kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện mô hình điểm cộng đồng quản lý chuột trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để tổ chức thực hiện. Chỉ đạo Trạm bảo vệ thực vật phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn trên địa bàn tăng cường nắm bắt diễn biến, sự phân bố và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột, từ đó tham mưu với UBND cấp huyện có kế hoạch và phương án tổ chức phòng trừ chuôt hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cần được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm việc buôn bán, sử dụng thuốc diệt chuột ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng.

Các cơ quan Báo, Đài cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn tuyên truyền về tác hại và biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả tới nhân dân./.

 

 

Minh Trang

.