Đạt thỏa thuận TPP 11, đổi tên thành Hiệp định CPTPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thay thế bằng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Đây là thông tin vừa được công bố trong cuộc họp báo về quá trình đàm phán TPP bên lề Tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng sáng 11/11, do Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đồng chủ trì.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi đồng chủ trì họp báo. |
Phát biểu tại cuộc họp báo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cuộc họp không chính thức của đại diện 11 nước về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã diễn ra bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chiều 10/11. Cuộc họp đã đạt được nhiều thoả thuận quan trọng về những nội dung lớn của TPP.
Các Bộ trưởng đã ra tuyên bố chung khẳng định các nước trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), khẳng định đã thống nhất những vấn đề cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên các nội dung của hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số lượng hạn chế nghĩa vụ của mình.
Các Bộ trưởng nhất trí rằng hiệp định CPTTP là một hiệp định toàn diện và quy chuẩn cao trên cơ sở cân bằng các lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước.
“Dựa trên tuyên bố này, các Bộ trưởng tiếp tục giao các trưởng đoàn đàm phán xử lý các vấn đề kỹ thuật còn chưa đạt được sự đồng thuận, cũng như tiến hành công tác rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định.
Có thể nói kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Đồng thời cũng là những nỗ lực của các quốc gia trong việc tiếp tục mở cửa và thực hiện hội nhập có hiệu quả với thế giới”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết: “Thỏa thuận này được dịch tiếng Pháp, tiếng Anh có giá trị tương ứng TPP12 và sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nền kinh tế thành viên thông qua. Hiệp định mới sẽ treo 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu trong đó có 10 điều là liên quan tới sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, còn 4 điểm được để riêng để các bên đàm phán thống nhất trong thời gian tới. Việc đóng băng hay treo một số điều khoản của thỏa thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai, trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai. Dù rất khó khăn, chúng tôi đều xác định là sẽ phải đạt được thỏa thuận ở Đà Nẵng. Chúng tôi vẫn cố phải cân bằng, duy trì chất lượng cao trong khi phải thực tế để các nước thành viên có thể thực hiện”./
Theo Trần Khánh-Nguyễn Hùng-Hoàng Lê/VOV.V