Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh

Thứ Tư, 15/11/2017, 15:15 [GMT+7]

Để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ.

Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định rõ về mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tiếp cận theo hướng nâng cao tính độc lập và địa vị, thẩm quyền của cơ quan cạnh tranh để đảm bảo khả năng thực thi hiệu quả.
 

1
Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" nếu Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia thuộc quản lý của Bộ Công Thương (Ảnh minh họa: KT)


Theo đó, Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh.

Cơ quan Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương. Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan này.

Chuyên nghiệp, độc lập, hiệu quả

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, hiện có hai loại ý kiến xung quanh vấn đề hình thành cơ quan cạnh tranh. Loại ý kiến thứ nhất tán thành Tờ trình của Chính phủ, đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh nhưng phải bảo đảm tính độc lập tương đối, hoạt động tuân theo pháp luật.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Bộ Công Thương hiện nay vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh vừa thực hiện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nếu đặt Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương khó đảm bảo được tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia vừa là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa có chức năng điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, vì vậy việc đảm bảo tính độc lập là nhu cầu khách quan.

Theo Ủy ban Kinh tế, để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị không giao Chính phủ quy định mà quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Cơ quan cạnh tranh, đề cao vai trò, tăng cường trách nhiệm và bảo đảm hiệu quả hoạt động của Cơ quan cạnh tranh, bảo đảm cơ quan này có đủ thẩm quyền để thực thi pháp luật về cạnh tranh, thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, tính minh bạch của các quy định về tố tụng cạnh tranh, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng cạnh tranh.
 
Đảm bảo tính khách quan

Trong phiên thảo luận tại tổ mới đây, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), cho rằng, Cơ quan Cạnh tranh quốc gia nằm ở Bộ Công Thương, trong khi Bộ vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì khó đảm bảo được tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đề nghị Cơ quan Cạnh tranh quốc gia phải có địa vị pháp lý độc lập hơn, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của cơ quan này.

Nếu không có doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ quản lý nữa thì cơ quan đó có thể nằm trong Bộ Công Thương, ông Cường nêu ý kiến.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Văn phòng Quốc hội), nguyên nhân lớn khiến Luật Cạnh tranh không đi vào cuộc sống là do có quá nhiều quy định mang tính định tính, dẫn đến nhiều cách hiểu, khó thực hiện.

Bà Mai nhận định, việc cạnh tranh ở nền kinh tế thị trường là điều hết sức bình thường vì cạnh tranh mới có thể phát triển. Tuy nhiên, Dự thảo Luật còn nhiều quy định mang tính mệnh lệnh, hành chính, áp đặt, ví dụ như cấm việc áp dụng các điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự.

Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh như sau:

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, có nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh./.

 



Theo Trần Ngọc/VOV.VN

.