Bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng, tăng trưởng ấn tượng

Thứ Bảy, 04/11/2017, 09:31 [GMT+7]

Các đại biểu Quốc hội vui mừng và cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
 
Khép lại phiên thảo luận kéo dài 2,5 ngày (31/10 – 2/11) về nội dung về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận: Các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu

Ông Phùng Quốc Hiển nêu bật những kết quả đã đạt được như chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế ấn tượng, dự kiến cả 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Nhiều lĩnh vực thế mạnh đã tăng trưởng khá và đóng góp vào sự phát triển chung như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xuất khẩu, chế biến, chế tạo. Giảm bội chi ngân sách nhà nước, kiểm soát được nợ công, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định.
 

1
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển


Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, song cần đánh giá thêm về hiệu quả, tính bền vững và chất lượng tăng trưởng. Tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn và phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năng suất lao động chưa được cải thiện rõ nét, sự tăng trưởng chưa bền vững còn thể hiện ở vấn đề ô nhiễm môi trường, việc xử lý chất thải, rác thải, còn nhiều khó khăn, thách thức trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế.

Một số ý kiến cho rằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô còn nhiều vấn đề đặt ra, chỉ số giá tiêu dùng, lĩnh vực xuất nhập khẩu, lao động việc làm, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, vấn đề giải quyết nợ xấu có khởi sắc nhưng còn nhiều khó khăn là vấn đề cần phải tập trung giải quyết. Nợ công vẫn đang tăng nhanh là nguy cơ tạo ra sự bất ổn kinh tế vĩ mô.

Có ý kiến cho rằng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu đạt được kết quả bước đầu, song chưa chuyển biến rõ ràng. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực hiện còn chậm. Việc cổ phần hóa, thoái vốn khó đạt kế hoạch đề ra, còn tồn tại, hạn chế. Việc xử lý khắc phục 12 dự án thua lỗ còn khó khăn, có thể phát sinh thêm các dự án thua lỗ mới.

Công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài còn có vấn đề như chính sách thu hút đầu tư chưa công bằng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Tình trạng kê giá, chuyển giá, lỗ diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI, nhưng chưa được xử lý nghiêm. Việc tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp trong nước để đủ sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế.

Về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 2017 là tích cực, có nhiều chuyển biến, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.

Về thu ngân sách nhà nước có ý kiến đại biểu cho rằng tăng thu ngân sách nhà nước 2,5% so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương. Trong khi thu ngân sách trung ương ước khó đạt dự toán. Một số khoản thu không đạt dự toán như thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu từ hoạt động sản xuất nhập khẩu.

Lo ngại về nợ công, bội chi ngân sách

Về bội chi và nợ công nhiều ý kiến đại biểu cho rằng nợ công giữ được mức trong giới hạn cho phép, bội chi ngân sách đạt 3,42% GDP. Tuy nhiên, nợ công tăng nhanh, an toàn nợ công chưa cao, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát nợ công, nhất là các khoản vay ODA của nước ngoài có khả năng vượt kế hoạch trung hạn và vượt dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
 

1
Bên cạnh nhiều điểm sáng, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với các thách thức lớn như nợ công tăng cao, chưa giảm bội chi ngân sách... (Ảnh minh họa: KT)


Về các giải pháp thực hiện trong các tháng cuối năm 2017 nhiều ý kiến đại biểu thống nhất về giải pháp nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngân sách nhà nước những tháng còn lại của 2017 như báo cáo Chính phủ. Đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người có công, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai bão lũ trong thời gian vừa qua, phòng, chống dịch bệnh, giữ trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020. Nhiều ý kiến thống nhất 2018 là năm bản lề cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nên có ý nghĩa rất quan trọng. Dự báo năm 2018 kinh tế thế giới có dấu hiệu tăng trưởng khá hơn, song xu hướng tăng cường các biện pháp bảo hộ sẽ tác động đến thương mại của các nước.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát các mục tiêu nhiệm vụ cụ thể về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 như báo cáo của Chính phủ.

Có ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát làm rõ các yếu tố chất lượng tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát và cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện hạn chế kinh doanh không cần thiết, có giải pháp để tăng hiệu quả đầu tư.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, bền vững, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang chiều sâu gắn với chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Trong 2,5 ngày thảo luận (từ 31/10 – 2/11) tại hội trường đã có 94 đại biểu Quốc hội phát biểu, có 27 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và 6 thành viên khác của Chính phủ là Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã tham gia phát biểu giải trình thêm một số vấn đề có liên quan.

Do thời gian có hạn, còn 16 đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu./.

 

Theo Trần Ngọc/VOV.VN
 

.