Thủ tướng trăn trở vì sao môn Lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn?

Thứ Hai, 21/01/2019, 14:29 [GMT+7]

Trăn trở trước việc môn Lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn, Thủ tướng cho rằng, nếu không thay đổi thực tế này thì khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ cống hiến, phụng sự quốc gia.
 
Sáng 20/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam nhân dự triển lãm “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” được tổ chức tại đây.
 

1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam


Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu trữ những giá trị văn hóa, lịch sử và cội nguồn thiêng liêng của cả dân tộc. Đây cũng là nơi bạn bè quốc tế, từ những vị nguyên thủ chính khách cấp cao cho tới những doanh nhân, nhà đầu tư, du khách quốc tế đến thăm để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người, về đất nước của chúng ta.

Với những giá trị đó, Thủ tướng cho rằng, không có nơi nào đắc địa hơn Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tổ chức Triển lãm về sâm Ngọc Linh hôm nay. Bảo tàng này là nơi mang lại nhiều cảm xúc xen lẫn niềm tự hào thiêng liêng về cội nguồn văn hóa lịch sử dân tộc 4.000 năm văn hiến, để trên nền đó, chúng ta tôn vinh 1 sản phẩm được gọi là quốc bảo như cây sâm Ngọc Linh.

Nêu lên những giá trị lịch sử khi tham quan Bảo tàng, Thủ tướng nhấn mạnh, bảo tàng không chỉ là nơi lưu trữ những giá trị lịch sử, niềm tự hào dân tộc, mà còn là yếu tố làm nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn, bản sắc của thành phố.

Tuy vậy, Thủ tướng trăn trở và đặt vấn đề, tại sao lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên? Thủ tướng cho rằng, nếu không thay đổi thực tế này thì không thể bồi dưỡng tinh thần, ý thức dân tộc; và nếu không thay đổi được thực tế này thì khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam trên khắp thế giới về đây cống hiến, phụng sự quốc gia.
 

1
Thủ tướng nghe lãnh đạo Bảo tàng giới thiệu về các hiện vật trưng bày


Từ thực tế đó, Thủ tướng cho rằng, mỗi chúng ta cần có ý thức về tầm quan trọng của việc xây dựng sự kết nối giữa thế hệ hiện nay, thế hệ tương lai với cội nguồn, với lịch sử, với văn hiến và niềm tự hào của dân tộc. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy sức mạnh dân tộc trên tất cả mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

Thủ tướng cho biết, đó cũng là lý do tại sao đi cùng Thủ tướng hôm nay có lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Nông và nhiều đại biểu các ngành quan trọng có liên quan.

Bởi lẽ muốn học sinh, sinh viên chúng ta yêu lịch sử, chúng ta phải có trách nhiệm làm cho môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, đó là điều đầu tiên phải làm và đây không phải là trách nhiệm đơn phương của ngành giáo dục, của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó còn là trách nhiệm của tất cả chúng ta, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành phố Hà Nội, của ngành điện ảnh và của chính Bảo tàng. Điều này được khẳng định ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, trong đó giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến năm 1945 có gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật và 19 Bảo vật quốc gia; trong đó có nhiều sưu tập quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồng thau và sắt sớm; Văn hóa Đông Sơn; Gốm men cổ Việt Nam; Đồ đồng thời Lê Nguyễn; Điêu khắc đá Chăm pa; Nghệ thuật trang trí nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á...

Giai đoạn lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến ngày nay có khoảng hơn 80.000 tài liệu, hiện vật về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ./.

 

 

Theo Vũ Dũng/VOV

.