Đi tìm triết lý giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Đào tạo tràn lan, thừa thầy thiếu thợ, thương mại hóa giáo dục, chạy theo thành tích,… là những mặt yếu của một hiện trạng giáo dục tùy hứng, "vô minh".
Luật hóa triết lý giáo dục?
Triết lý giáo dục và chiến lược giáo dục đang là những vấn đề quan trọng của Luật Giáo dục sửa đổi. Hai vấn đề này cần được tường minh và nhất quán trong tư duy, hành động thực tiễn của toàn hệ thông giáo dục nước nhà.
Triết lý được hiểu là hệ thống lý luận triết học, phản ánh quan niệm của con người về những vấn đề nhân sinh, xã hội, được cụ thể hoá bằng những tư tưởng, đường lối, phương pháp và hành động thực tiễn. Triết lý giáo dục phải được định hình trước, phải được thống nhất trước khi xây dựng chiến lược phát triển giáo dục theo giai đoạn. Có thể không cần quyết liệt đặt ra tới mức độ “luật hóa triết lý giáo dục” trong Luật Giáo dục, nhưng ở phạm vi khác, cũng cần hiển thị trong những văn bản chỉ đạo về quản lý nhà nước về giáo dục.
Triết lý giáo dục là vấn đề cần nghiên cứu để trả lời câu hỏi "giáo dục là gì"? (Ảnh: KT) |
Giáo dục phải đi trước sự phát triển, triết lý giáo dục cần được nghiên cứu, xây dựng thống nhất để trả lời thoả đáng yêu cầu “giáo dục là gì? Giáo dục cho ai? Và giáo dục như thế nào” trong tổng thể hoàn thiện các mặt đời sống xã hội. Những lộ trình đổi mới hoặc cải cách giáo dục hay một khâu nhỏ trong cái tổng thể đó cần được nghiên cứu, tính toán và thực thi một cách kĩ lưỡng và sát hợp với thực tế.
Một nền giáo dục vì dân, “thân dân”, vì sự hưng thịnh của đất nước là nền giáo dục luôn theo sát sự trưởng thành của con người từ thủa ấu thơ đến khi kết thúc cuộc đời, và hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần công dân qua các thế hệ. Đây chính là tư tưởng học suốt đời và xây dựng xã hội học tập, chính vì thế, triết lý giáo dục phải có tính nhân bản, định hướng xã hội, đề đổi mới nền giáo dục, hiện đại hóa quá trình giáo dục các cấp học, bậc học một cách cụ thể và hiệu quả.
Những nhà hoạch định chiến lược giáo dục cần đặt tầm quan trọng của triết lý giáo dục như kim chỉ nam, định hướng, soi đường, lan tỏa và thẩm thấu vào “kế sách” của chiến lược giáo dục. Bởi GD-ĐT là một trong những vấn đề quốc gia đại sự, nó ảnh hưởng, quyết định đến sinh mệnh văn hóa dân tộc, đến sự văn minh, phồn thịnh hay nghèo nàn, lạc hậu của đất nước.
Hậu quả của việc không có chiến lược phát triển giáo dục cụ thể, chưa định danh rõ ràng về triết lý giáo dục là một nền giáo dục phát triển tự phát, là sự manh mún, bất cập, xa thực tiễn, hơn nữa, kéo theo những hệ luỵ vô cùng nguy hại đến sự ổn định và phát triển đất nước. Đào tạo tràn lan, thừa thầy thiếu thợ, thương mại hóa giáo dục, học không đi đôi với hành, chạy theo thành tích, trò ngồi nhầm lớp, thầy đứng nhầm lớp…, đó là những mặt yếu kém của một hiện trạng giáo dục tùy hứng, “vô minh”, không được nghiên cứu, thử nghiệm nghiêm túc trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
Những giải pháp tình thế, những kế hoạch mang tính thời vụ chỉ có thể giải quyết được những sự việc ở phạm vi nhỏ hẹp, ở tầm thấp, ngắn, chứ không thể đủ sức để vươn tới những chiến lược phát triển con người toàn diện. Cũng không thể ảo tưởng, kì vọng mãi về một nền giáo dục áp đặt, chính qui, trường ốc đã làm tiêu tan đi biết bao những ước mơ, sáng tạo của nhiều thế hệ lòng vòng mà không đến được với “thực học và thực nghiệp”.
Giáo dục cần một sự đổi thay tổng thể để phát triển, để bắt kịp và để định hướng xã hội. Trong thời buổi giao thời kinh tế thị trường, giáo dục cần có kế sách để trụ vững và thoát khỏi luồng xoáy lốc cơ chế thị trường. Tức là, cần xây dựng được kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.
Để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục cần bám sát thực tiễn công tác GD-ĐT của nước nhà, tình hình xã hội và những lí thuyết mang ý nghĩa triết học, phương pháp luận, triết lý giáo dục về phát triển con người. Những chương trình, đề án, dự án giáo dục cần được nghiên cứu, triến khai phù hợp với nhu cầu, khả năng thực tế của từng đối tượng, địa phương, vùng miền khác nhau; và cần tính đến khả năng dự báo về xu hướng, tiềm lực, kết quả, và cả những hệ luỵ trái chiều có thể xảy ra.
Phương pháp dạy học trong Chương trình GDPT mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chính thức công bố vào những ngày cuối cùng của năm 2018, điều này thể hiện sự quyết liệt, cẩn trọng, tiếp thu ý kiến dư luận của những nhà xây dựng, hoạch định chương trình.
Chương trình có sự thống nhất về quan điểm đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà của Đảng ta, được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, nhà trường dạy những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại, phù hợp với các phương pháp dạy học tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực cần thiết.
Chương trình đã thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học để tạo thành môn học tích hợp, rồi thực hiện tinh giản nội dung giáo dục, giảm áp lực môn học, có một số môn học theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Đây là những đổi thay rất tích cực, hướng tới sự “hội nhập” về chương trình giáo dục phổ thông với các nước có nền giáo dục tiên tiến. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức thực sự với hệ thống giáo dục phổ thông nước ta mà không thể không lo lắng, như sự đáp ứng của các chủ thể giáo dục, điều kiện, thiết bị dạy học, phương pháp dạy học trong Chương trình mới.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành sẽ ảnh hưởng tích cực tới phương pháp dạy học, đến cách dạy và cách học của giáo viên và học sinh. Và điều này lại phải nhắc đến vấn đề ở trên, đó là, Chương trình này, phản ánh tư duy, triết lý giáo dục như thế nào?
Yếu tốp phương pháp dạy học rất quan trọng để làm nên giá trị chất lượng, hiệu quả của chương trình dạy học, quá trình dạy học. Phương pháp dạy học trong nhà trường được coi như con đường, chìa khóa để người học tiếp cận kho báu tri thức nhân loại, là bệ đỡ đa năng và hữu dụng để thầy và trò phát huy mọi khả năng, năng lực học tập, nghiên cứu, sáng tạo.
Vấn đề đặt ra, phương pháp dạy học lựa chọn tư duy lý luận nào soi đường, và phương pháp dạy học sẽ được chọn lựa, vận dụng như thế nào cho hợp với thực tiễn, biện chứng với tư tưởng triết lý giáo dục. Phải chăng, dạy học tích hợp, dạy học hợp tác phản ánh triết lý giáo dục “hợp tác”?
Mục tiêu, nội dung giáo dục ảnh hưởng trực tiếp đến phương pháp dạy học trong nhà trường, tính định hướng của chương trình tác động đến hoạt động của các chủ thể tham gia quá trình dạy và học. Thầy và trò dạy học cái gì và như thế nào một thời được quan niệm là “quy định pháp lý” nên khó có thể sáng tạo hay tích cực hóa chủ thể dạy học. Phương pháp dạy học mang bản chất là sự thay đổi, không bị ràng buộc bởi những định kiến áp đặt, tư duy ngoài khoa học ngay cả khi nó đang được thực thi hiệu quả theo một mô hình, thói quen dạy học nào đó. Tính kế thừa, phát triển của phương pháp dạy học là một minh chứng cho sự đổi thay sáng tạo trong nội dung và hình thức của phương pháp.
Dạy học tích cực hóa người học, rèn luyện tư duy tự chủ, tự học, chủ động phát triển phẩm chất, năng lực đang được coi là phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học ngày nay. Các mô hình dạy học tiên tiến trên thế giới đang ngày một chủ tâm nhấn mạnh đến tính tích cực, tính cá thể hóa, chuyên biệt hóa trong dạy học nhằm phát huy vai trò, tư duy trí tuệ, phẩm chất năng lực của cá nhân, làm giàu có tâm hồn từng cá thể giáo dục. Học sinh đến trường học là tìm đến cơ hội phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mĩ, với tâm thế chờ đợi sự kích hoạt để làm bừng sáng tiềm năng, năng lực. Tâm thế này là tích cực, là sẵn sàng chủ động học tập, là điều kiện lý tưởng để nhà trường, thầy cô triển khai các hoạt động dạy học, tích cực hóa các phương pháp dạy học. Chữ “tích cực” trong phương pháp dạy học ở đây, nói như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là có chiều sâu, cả hai phía (Thầy- Trò) tạo cơ hội cho cả hai phát huy hết tiềm năng trí tuệ, tư duy thông minh của mình.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành, chúng ta còn quá nhiều việc để làm để năm 2020 bắt đầu vận hành. Hệ thống các trường sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục sẽ đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học. Riêng vấn đề này cũng thấy nhiều thách thức và rất cần sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các trường trong hệ thống, giữa các trường sư phạmHọc viện với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, với cơ quan quản lý giáo dục cấp trung ương và địa phương./.
Theo Chu Phan/VOV