Chương trình GDPT mới: Cần lời giải cho việc thừa, thiếu giáo viên
Để triển khai chương trình GDPT mới cần làm thế nào để vừa có đủ số lượng, vừa nâng chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất trường học.
“Thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới dựa vào đội ngũ nhà giáo, từ thừa thiếu ra sao, đào tạo thế nào. Chương trình giáo dục tốt đến mấy cũng không thể phát huy hiệu quả nếu các đơn vị thực hiện chưa sẵn sàng” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định tại hội nghị trực tuyến bàn về việc chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới...
Địa phương lo lắng thiếu giáo viên
Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) những vấn đề nóng được đặt ra tại hội nghị là làm thế nào để vừa có đủ số lượng, vừa nâng chất lượng đội ngũ cũng như cơ sở vật chất trường học.
Để triển khai chương trình GDPT mới cần làm thế nào để vừa có đủ số lượng, vừa nâng chất lượng đội ngũ giáo viên |
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Tính đến tháng 10/2018, tỷ lệ giáo viên (GV)/lớp toàn quốc như sau: nhóm trẻ: 1,77 GV/nhóm trẻ (thấp hơn so với định mức quy định là 0,73 GV/nhóm trẻ), mẫu giáo: 1,68 GV/lớp (thấp hơn định mức quy định là 0,52 GV/lớp); tiểu học: 1,43 GV/lớp (so với định mức quy định, GV còn thiếu chủ yếu ở các môn ngoại ngữ, tin học); THCS: 1,99 GV/lớp (so với định mức quy định, về cơ bản đủ tuy nhiên vẫn thừa, thiếu cục bộ); THPT: 2,25 GV/lớp (so với định mức quy định về cơ bản là đủ).
Theo báo cáo của các sở GD-ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số GV còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người, tiểu học: 18.953, THCS: 10.143, THPT: 3.161 người). Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc thiếu 10.143 GV THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 GV THCS môn khác.
Đề cập khó khăn lớn nhất này, ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ thẳng thắn cho biết: Chương trình GDPTM có hay, hiện đại đến mấy mà không có các điều kiện đồng bộ như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học... thì cũng khó thành công.
Sau khi khảo sát thực trạng thừa thiếu giáo viên, Phú Thọ hiện thiếu hơn 1.000 giáo viên phổ thông, riêng tiểu học thiếu hơn 800 GV các môn văn hoá, tiếng Anh thiếu 218 GV, tin học thiếu hơn 200 GV... Phú Thọ sẽ triển khai chương trình mới cho hơn 1.100 lớp 1, vì thế sẽ ưu tiên chuẩn bị đội ngũ GV lớp 1 trước.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết: “Chương trình hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Còn chương trình mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học”.
“Để khắc phục tình trạng thừa thiếu GV, đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ và các bộ liên quan sớm có hướng dẫn để các địa phương tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, Bộ sớm triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV, tiến hành bồi dưỡng trực tuyến với các địa phương có nhu cầu”- ông Tường đề xuất.
Đại diện Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng băn khoăn, thực hiện tinh giảm biên chế sắp xếp đội ngũ giáo viên như thế nào để không thừa, không thiếu giáo viên?. Nếu không tính toán kỹ lưỡng khi triển khai CTGDPT mới thì tình trạng thiếu giáo viên sẽ càng nhiều...
Giáo viên quyết định thành bại của chương trình GDPT mới
Cũng theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với GV trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, trình Thủ tướng xem xét, quyết định nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có GV giảng dạy.
Bộ GD-ĐT yêu cầu ngành GD-ĐT các địa phương căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong chương trình mới tiến hành rà soát đội ngũ GV hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng GV còn thiếu, số lượng GV dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, bố trí, sắp xếp GV hợp lý, không để tình trạng thiếu GV khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mới, nhất là GV dạy những môn học mới…
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các địa phương chuẩn bị các điều kiện triển khai tập huấn, bồi dưỡng GV bảo đảm đồng bộ với lộ trình triển khai áp dụng chương trình mới và sách giáo khoa mới theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định kết quả của chương trình GDPTM phụ thuộc việc triển khai thực tiễn, trong đó có đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý. Đây cũng là một trong những trọng tâm của ngành trong năm 2019.
Vấn đề thứ hai được chú trọng là cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục, cần sự tham mưu của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông thành công hay không phụ thuộc vào vào sự kết hợp nhịp nhàng của các bên liên quan, cùng mục đích sớm đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông./.
Theo Thu Hằng/báo TNVN