Vụ học sinh bị tát 231 cái: Trường phát phiếu hỏi để che đậy điều gì?
Về vụ học sinh bị tát 231 cái, Trường THCS Duy Ninh phát phiếu điều tra học sinh với những câu hỏi như đã tát bạn bao nhiêu cái, mức độ nặng nhẹ...
Ngày 24/11, khi dư luận cả nước bức xúc vì hành vi của cô Nguyễn Thị Phương Thủy phạt em H.L.N 231 cái tát, Ban giám hiệu trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã yêu cầu 23 học sinh trong lớp 6/2 phải trả lời hàng loạt các câu hỏi.
Trong phiếu hỏi, các em phải ghi rõ đầy đủ họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, ngày tháng và ghi rõ: “Lời khai của em…”.
Học sinh phải trả lời hàng loạt các câu hỏi. (Ảnh: KT) |
Kết quả lấy ý kiến cho thấy: Sự việc xảy ra với học sinh H.L.N bị các bạn tát 231 cái là có thật, trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh.
Trao đổi với VOV.VN, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình cho hay, Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng như cá nhân ông không đồng tình việc Hiệu trưởng THCS Duy Ninh lấy phiếu điều tra học sinh về vụ việc 231 cái tát.
“Việc cô giáo Thủy phạt học sinh bằng hình thức bạo lực như vậy không phải là chủ trương của nhà trường. Có thể nhà trường nóng lòng muốn làm rõ sự việc, nhưng nhà trường phát phiếu hỏi yêu cầu các học sinh trả lời cũng chưa hợp lý vì có thể tìm ra những cách làm khác mà không khiến học sinh bị tổn thương”, ông Nhân cho biết.
Giám đốc Sở GĐ-ĐT Quảng Bình cho biết, sau khi nắm bắt được tình hình đã kịp thời chỉ đạo Sở GD-ĐT huyện Quảng Ninh yêu cầu trường THCS Duy Ninh dừng ngay việc phát phiếu điều tra học sinh và tự kiểm điểm.
Liên quan tới vấn đề này, TS tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục thuộc trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, nhà trường đang đi từ cái sai này đến cái sai khác khi tiến hành phát phiếu hỏi với học sinh.
“Điều này gây tổn thương tâm lý với học sinh, bởi chưa chắc khi tham gia trả lời những câu hỏi này các em đã thoải mái. Thậm chí các em sẽ phải nhớ lại ngày hôm đó như thế nào, khơi dậy cảm giác tội lỗi, sợ hãi khi thực hiện hành vi đánh bạn. Điều này giống như việc khi điều tra về các vụ xâm hại tình dục, thì không thể đưa ra những câu hỏi như bị xâm hại bao nhiêu lần, ở chỗ nào,… khác gì làm các em tái sang chấn”, TS Nam chỉ rõ.
Chuyên gia tâm lý này cho rằng, khi trả lời phiếu hỏi, không có gì đảm bảo rằng học sinh không bị định hướng, tạo áp lực để trả lời khảo sát theo ý của nhà trường. Như vậy, kết quả phiếu điều tra cũng không hẳn chính xác.
Bên cạnh đó, khi danh tính, thông tin của học sinh được công khai, học sinh có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề khác.
“Sau những sự việc như vậy, việc trường cần làm là giúp học sinh ổn định tâm lý và quay trở lại học bình thường. Nhưng tôi cho rằng việc lấy phiếu khảo sát dường như không nhằm mục đích bảo vệ học sinh, mà đang coi học sinh giống như tội phạm để điều tra hay làm dịu đi những sai phạm, thanh minh cho cô giáo và nhà trường”, TS Nam cho biết./.
Theo Nguyễn Trang/VOV