Tăng lương, nâng chất lượng giáo viên: Cần tăng hợp đồng, bỏ biên chế?

Thứ Sáu, 07/12/2018, 08:48 [GMT+7]

 Chính sách tuyển chọn giáo viên cần căn cứ vào năng lực thực tế, đạo đức, tăng hợp đồng, tinh giản biên chế minh bạch để nâng cao chất lượng nhà giáo.
 
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế “Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay: Việt Nam và thế giới” do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức ngày 6/12.

Tham luận tại hội thảo, TS Đỗ Thị Ánh, trường CĐ Công nghiệp Cẩm Phả cho rằng, trong bối cảnh mới, trước những thay đổi của xã hội cũng đặt ra những yêu cầu đổi mới về vai trò của đội ngũ giáo viên trên nền tảng thay đổi chất lượng lao động sư phạm và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đủ năng lực thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
 

1
Các vấn đề về chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ chế khuyến khích giáo viên được đưa ra bàn luận tại hội thảo.


Theo TS Ánh, mặc dù số lượng nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn hiện nay rất cao, nhưng năng lực và trình độ chuyên môn của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy, vẫn còn những giáo viên xếp loại yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, các nhà giáo công tác ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa ít có điều kiện nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức.

Xét về khía cạnh năng lực học tích hợp, lồng ghép, liên môn thì có tới gần 60% giáo viên cho rằng “không vững chắc”. Những hiện tượng như nếu tách rời sách giáo khoa thì không biết lấy gì giảng dạy... đã không hiếm gặp.

Sự phân bổ giáo viên trong những năm vừa qua vẫn còn tình trạng mất cân đối. Không đồng bộ trong cơ cấu đội ngũ các địa bàn khác nhau, như thừa giáo viên tại các trung tâm, thành phố, thị trấn, nhưng lại thiếu giáo viên ở những khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

TS Ánh cho rằng, chất lượng giáo viên còn một số bất cập xuất phát từ việc ban hành các chuẩn về giáo viên còn chậm, quy mô, cơ cấu chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên các môn học, cấp học, địa phương, cũng như thiếu các chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên.

Tinh giản biên chế và tăng lương cho nhà giáo

Nói về các giải pháp giúp nâng cao chất lượng giáo viên, Thạc sỹ Trần Văn Ba, Sở Nội Vụ Lạng Sơn cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục và đội ngũ giáo viên, cần có thêm các cơ chế, chính sách giúp tạo động lực cho giáo viên trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh giáo viên THPT phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác.
 

Đặc biệt, cần thiết xây dựng đề án thí điểm tăng hợp đồng đối với giáo viên, hướng tới xóa bỏ biên chế trong giáo dục. Quy trình tuyển dụng, tinh giản biên chế, cho nghỉ phải đảm bảo các điều kiện chặt chẽ, công khai, minh bạch. Kèm theo đó là chính sách đãi ngộ nhà giáo tương xứng với năng lực làm việc, sự cống hiến của họ để thu hút người tài, giữ chân giáo viên trụ lại với nghề. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao, có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
 
Theo GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, những năm qua, Bộ GD-ĐT đang cố gắng hoàn thiện các chính sách về tiền lương và thang bảng lương cho phù hợp với đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, tính phù hợp trên hệ thống thang bảng lương hiện nay còn nhiều hạn chế. “Ngoài lương, giáo viên có thêm những khoản thu nhập hợp tình, hợp lý, hợp pháp, tuy nhiên lại không được thể hiện rõ ràng. Ví dụ như các giảng viên có thể có tiền tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia vào các hội đồng, tham gia vào các tiểu ban, tư vấn cho các hoạt động hay giảng dạy thêm giờ… Đây chính là điểm bất cập trong cách tính lương ngành sư phạm hiện nay. Bộ GD-ĐT cũng đã đấu tranh để đưa ra khung lương mới, nhưng khi đưa ra, thì nhiều ngành khác cũng đấu tranh muốn tăng”.

TS Stephen J.Woodhouse, Chuyên gia đào tạo, tư vấn cấp cao của Liên Hợp Quốc cho rằng, để nâng cao chất lượng, tạo động lực cho nhà giáo, chính phủ mỗi nước cần có những chính sách rõ ràng. 

“Trong đó, cần có lộ trình thăng tiến sự nghiệp rõ ràng cho giáo viên để họ có hướng yêu nghề và gắn bó hơn. Chế độ lương thưởng cũng là điều cần quan tâm. Ở một số nước trên thế giới, nếu giáo viên trường phổ thông có mức lương cao ngang với tài xế lái xe buýt thì không thể kỳ vọng họ hoàn thành công việc tốt như các tài xế kia. Kết quả công việc sẽ phù hợp với mức lương thưởng mà họ nhận được. Kinh nghiệm các nước cho thấy, muốn nâng cao chất lượng giáo viên, cần tăng mức lương tuyệt đối của giáo viên. Tại một số nước, giáo viên trường tư thục được nhận lương cao hơn trường công lập và hiệu quả công việc của họ cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, cần cơ chế khen thưởng tại các trường. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khen thưởng dựa trên uy tín hiệu quả hơn chế độ về tài chính”.

Bên cạnh đó, chuyên gia đào tạo, tư vấn giáo dục cấp cao của Liên Hợp Quốc cũng cho rằng hiệu trưởng mỗi trường cần thường xuyên học tập để có kỹ năng lắng nghe giáo viên, thấu hiểu và có thể huấn luyện cấp dưới; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia vào các khóa học ngắn hạn, thực tiễn để nâng cao nhận thức, kỹ năng sư phạm.

“Ở những quốc gia như Việt Nam, đặc biệt là ở những khu vực còn nhiều khó khăn, cần có chính sách minh bạch trong thuyên chuyển giáo viên. Nhiều giáo viên có thời gian thoải mái hơn ở Hà Nội, TP HCM trong khi đó, nhiều giáo viên lại phải công tác ở những vùng sâu, vùng xa như Đồng Văn (Hà Giang), Mù Chang Chải (Lào Cai)… Việc này phải được thực hiện một cách cẩn trọng. Trước những áp lực của giáo dục trong bối cảnh hiện nay ngành giáo dụ cần giảm tình trạng quan liêu với giáo viên. Bỏ các việc làm không cần thiết như làm các báo cáo, hồ sơ, mất nhiều thời gian nhưng không thực sự cần thiết”, TS  Stephen J.Woodhouse nhấn mạnh./.

 

 

Theo Nguyễn Trang/VOV

.